Khách Tây kinh hãi khi sang đường

Hướng dẫn viên du lịch chia sẻ rằng, thử thách lớn nhất dành cho khách nước ngoài là hòa mình vào những con phố và sang đường...

Trên nhiều tuyến phố Hà Nội, người đi bộ vẫn chật vật sang đường trước nguy cơ va chạm với phương tiện cơ giới

Trên nhiều tuyến phố Hà Nội, người đi bộ vẫn chật vật sang đường trước nguy cơ va chạm với phương tiện cơ giới

Mới đây, câu chuyện của một hướng dẫn viên du lịch kể về những tình huống “dở khóc, dở cười” của những vị khách Tây khi tản bộ tham quan trên những tuyến phố của Hà Nội gây sự chú ý với nhiều cư dân mạng.

Người này kể: “Hơn 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch, tôi hiểu rằng thử thách lớn nhất dành cho khách nước ngoài là hòa mình vào những con phố.

Tôi từng có lần mất gần 10 phút để có thể dẫn một nhóm 18 du khách Thụy Sĩ sang đường tại một con phố ở Thủ đô. Nơi chúng tôi sang đường là làn đường dành cho người đi bộ, nhưng không có đèn tín hiệu. Tôi dẫn đầu đoàn, giơ tay xin nhường đường và ra hiệu cho đoàn khách bám sát theo sau. Nhưng không vị khách nào dám đi theo”.

“Một du khách dũng cảm thử đặt chân xuống lòng đường, chậm chạp tiến khoảng 1m rồi quyết định... quay ngược lại. Tôi đành nói: “Các bạn cứ kệ họ. Họ sẽ tránh chúng ta, cứ bám sát nhau và đi thành đoàn”. Đoàn khách mới bắt đầu di chuyển, nhưng rón rén, co cụm... “Tại sao họ không chịu dừng lại, tại sao họ không nhường đường cho người đi bộ?”... là câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất từ các vị khách của mình...”, hướng dẫn viên kể.

Sau khi đăng tải lên các diễn đàn xã hội, báo chí, nhiều người thừa nhận, dù đã sống ở Hà Nội cả chục năm nhưng sợ nhất vẫn là khi “cuốc bộ” sang đường.

Thực tế, ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên địa bàn Hà Nội hiện nay người đi bộ vẫn phải đối diện với nguy hiểm tại khu vực ưu tiên cho mình, điển hình là khu vực nút giao Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan. Tại đây, đèn tín hiệu, vạch kẻ phục vụ người đi bộ đã được thiết lập, song, hàng ngày, nhiều phương tiện cơ giới vẫn phớt lờ.

Một số vị trí khác như: ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học, Lê Thanh Nghị - Trần Đại Nghĩa… dù có vạch kẻ cho người đi bộ nhưng với việc tổ chức giao thông cho các phương tiện rẽ phải kể cả khi đèn tín hiệu đỏ, người đi bộ cũng luôn nơm nớp nỗi lo va chạm mỗi khi qua đường.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, đối với các tuyến phố hạn hẹp về diện tích, không hình thành được cầu bộ hành tại Hà Nội hiện nay, tình trạng mất ATGT đối với người đi bộ vẫn còn tương đối phức tạp.

Theo ông Thạch, Luật GTĐB 2008 trước đây đã đề cập đến quy định ưu tiên người đi bộ nhưng chưa rõ ràng. Vì vậy, tại dự thảo Luật GTĐB sửa đổi Bộ GTVT đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đã điều chỉnh, quy định rõ tại nơi có vạch kẻ cho người đi bộ qua đường, phương tiện sẽ phải dừng lại nhường đường cho người đi bộ (nếu phát hiện có người đi bộ).

Cùng đó, luật cũng quy định các xe không được vượt nhau tại nơi có vạch kẻ đi bộ hoặc khi phát hiện xe buýt ra, vào điểm đỗ thì mọi phương tiện phải nhường đường.

Nam Khánh

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/khach-tay-kinh-hai-khi-sang-duong-d486413.html