Doanh nghiệp Bình Định giữ chân công nhân duy trì sản xuất

Các doanh nghiệp ở Bình Định đã có chính sách đãi ngộ tốt hơn hoặc ngang bằng với các địa phương khác để thu hút người lao động trở về địa phương làm việc sau Tết.

Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, người lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Định trở lại làm việc đúng thời gian quy định, với tỷ lệ từ 90% - 95%. Lao động ổn định, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để đạt mục tiêu trong năm 2021.

Những năm trước đây, sau kỳ nghỉ Tết là thời điểm lao động “nhảy việc” qua doanh nghiệp có ưu đãi tốt hơn, hoặc chuyển vào làm việc ở các tỉnh, thành phía Nam. Điều này gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành may mặc.

Để khắc phục vấn đề này, các doanh nghiệp ở Bình Định đã có chính sách đãi ngộ tốt hơn hoặc ngang bằng với các địa phương khác để thu hút người lao động trở về địa phương làm việc. Đó là chế độ lương, thưởng chuyên cần, thời gian làm việc hợp lý và thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm. Từ đó đã thu hút và giữ chân người lao động.

Công nhân trong dây chuyền công ty may mặc.

Công nhân trong dây chuyền công ty may mặc.

Tại Công ty TNHH Delta Galil luôn duy trì hơn 2.300 lao động với mức thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, Doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng 30% sản phẩm, vì vậy duy trì và giữ chân người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo đơn hàng cho đối tác.

Chị Nguyễn Thị Nhung, công nhân Công ty TNHH Delta Galil ở huyện Phù Cát, chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu cho biết, trước đây từng làm việc tại Đà Nẵng và mới chuyển về đây vì ở gần nhà lại có những chế độ đãi ngộ thích hợp.
Ông Lê Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Delta Galil cho biết, doanh nghiệp cam kết trả đầy đủ lương, phúc lợi đúng thời hạn cho công nhân, đảm bảo 100% người lao động luôn luôn nhận được lương vào ngày mùng 5 của các tháng trong năm.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn trong sản xuất, đơn hàng, nhất là doanh nghiệp may mặc. Đó là tình trạng không nhập khẩu được nguyên liệu, đơn hàng giảm... Do vậy, để hoạt động sản xuất liên tục, giữ chân người lao động cần phải tích cực tìm kiếm thị trường khai thác đơn hàng, đảm bảo lương, phúc lợi cho người lao động.

Ông Lý Phước Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư An Phát, ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, là đơn vị chuyên hàng may mặc xuất khẩu, nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, nên khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã gặp nhiều khó khăn. Để giữ chân công nhân, công ty phải chuyển sang sản xuất các mặt hàng không phải là thế mạnh để đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân.

“Doanh nghiệp cũng thiếu đơn hàng sở trường hơn so với lúc không có Covid. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại công ty đã tìm kiếm được thêm một số nguồn hàng. Trong thời điểm này, công ty cũng có thể may thêm nhiều đơn hàng khẩu trang, áo bảo hộ y tế để vừa phục vụ cho chương trình chống dịch và vừa tìm việc làm cho toàn thể cán bộ công nhân viên”, ông Nghĩa chia sẻ.

Lãnh đạo các đơn vị thăm và động viên công nhân tích cực sản xuất.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định, đến thời điểm này, hơn 53.000 công nhân trở lại làm việc, đạt tỷ lệ trên 97%. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định cho biết, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp có nhiều chính sách đảm bảo quyền lợi, thu nhập để giữ chân người lao động.

“Lực lượng lao động quay trở lại các doanh nghiệp trên địa bàn làm việc sau Tết đạt trên 95%. Các đơn vị đều có chính sách cho người lao động như bảo đảm việc làm, thu nhập, tiền lương rồi vấn đề về phòng chống dịch bệnh. Một số đơn vị mặc dù thời gian công nhân nghỉ những họ vẫn bảo đảm về tiền lương nghỉ việc để giữ chân công nhân, đồng thời có các chế độ hỗ trợ thêm vào thời gian nghỉ dịch bệnh”, ông Hùng nêu rõ./.

Thành Long/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-binh-dinh-giu-chan-cong-nhan-duy-tri-san-xuat-840992.vov