Khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển vẫn còn thấp

Tổng cục Du lịch (Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch) cho biết, Việt Nam đón trung bình khoảng 300.000 lượt khách du lịch tàu biển/năm, gần 500 chuyến tàu cập cảng, chiếm từ 2-3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Khách tàu biển đến Việt Nam đến từ nhiều thị trường khác nhau như: Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN.

Khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường tài biển chiếm từ 2-3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Ngày 6/12, tại tỉnh Quảng Ning, Tổng cục Du lịch (Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch) đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Quốc tế về phát triển du lịch tàu biển.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ Thể thao Văn hóa và Du lịch), lượng khách du lịch tàu biển đã tăng lên nhanh chóng, từ năm 2013 đến 2018, tổng số lượt khách tàu biển thế giới đã tăng từ 21 triệu lượt khách lên khoảng 26 triệu lượt khách 2018. Trong đó, lượng khách du lịch tàu biển đến khu vực châu Á tăng trung bình 23%, từ 1,51 triệu lượt năm 2013 lên khoảng 4,62 triệu lượt năm 2018.

Theo Tổng cục Du lịch, xu hướng thị trường khách du lịch tàu biển khu vực Châu Á là nguồn từ Châu ÂU, Bắc Mỹ, Châu Úc… nhờ tính hấp dẫn của sự khách biệt văn hóa, lịch sử đa dạng tại các điểm dừng chân. Bên cạnh đó, thị trường nguồn quan trọng của tàu biển châu Á chính là lượng khách đi trong vùng nội địa. Theo thống kê, cứ 10 khách du lịch tàu biển chấu Á thì có 9 khách xuất phát từ châu Á.

Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Du lịch thuyền quốc tế, mặc dù chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng khách du lịch tàu biển Việt Nam cũng bắt đầu tăng lên, năm 2012 mới chỉ có 158 người Việt Nam đi du lịch tàu biển, năm 2016 đã có 4.100 khách du lịch nước ngoài bằng tàu biển tăng 126%.

Nhưng tốc độ tăng trưởng khách tàu biển Việt Nam so với khách du lịch đi bằng đường hàng không và tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn thấp, thậm chí còn sụt giảm. Nguyên nhận, hệ thống cảng biển và hạ tầng biển chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hều hết các cảng biển đón khách mới chỉ là điểm cho tàu cập bến. Nhiều cảng đón khách tàu biển thường sử dụng chung với các cảng hàng hóa…

Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, hiện tại thời gian lưu trú của khách du lịch tàu biển tại tỉnh Quảng Ninh còn thấp, trung bình là 1,5 ngày, nguyên nhân do các sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch tàu biển chưa đa dạng, hấp dẫn khách du lịch tàu biển.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải cũng thông tin, trong 11 tháng năm 2018, tổng số lượng hành khách thông qua cảng biển là 4.7 triệu lượt, trong đó, 592 lượt tàu khách quốc tế, hơn 827.000 lượt khách quốc tế.

Theo ông Phương, để thu hút khách du lịch đến Việt Nam bằng đường tàu biển, Việt Nam đã đầu tư xây hệ thống cảng biển nước sâu đáp ứng được yêu cầu của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới. Các cảng biển cũng đã được quy hoạch và đầu tư từng phần phát triển thành cảng biển chuyên dụng đón tàu có trọng tải từ 50.000 đến 100.000 GT, như: Cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)… Một số tập đoàn kinh tế lớn Việt Nam cũng bắt đầu đầu tư phát triển cảng biển phục vụ khách du lịch như: Tập đoàn Sungroup, Vingroup…. Tháng 12/2018 Cảng quốc tế Hạ Long- cảng quốc tế chuyên dụng đầu tiên có quy mô hiện đại đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động và tạo điều kiện cho thuận lợi thu hút khách du lịch tàu biển tại khu vực phía Bắc.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/luong-khach-quoc-te-den-viet-nam-bang-duong-tau-bien-van-con-thap.aspx