Khách quan và ý chí

Theo số liệu tổng hợp từ Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), trong tháng 8 vừa qua, Jetstar Pacific tiếp tục đạt 'quán quân' về tỷ lệ chậm chuyến, với số chuyến khai thác chậm là 709 chuyến, chiếm 24,6% số lượng chuyến bay khai thác. Vietnam Airlines đứng thứ 2 với 1.550 chuyến chậm, chiếm 14,2%. VietJet Air đứng thứ ba với 1.312 chuyến chậm, chiếm 13,4%. Vasco đứng cuối với 54 chuyến chậm, chiếm 4,4%.

Khách hàng bị chậm chuyến ngồi đợi ở sân bay

Khách hàng bị chậm chuyến ngồi đợi ở sân bay

Các nguyên nhân dẫn đến chậm chuyến. Đa phần các nguyên nhân này nằm ngoài tầm kiểm soát của các hãng Hàng không dân dụng (HKDD) như: thời tiết, kỹ thuật, hoặc chậm do hạn chế thiết bị sân bay, các dịch vụ mặt đất khác như cung ứng xăng dầu, suất ăn... hay do hải quan - kiểm dịch, công an cửa khẩu. Ngoài nguyên nhân thời tiết, đa phần thuộc về sự cố kỹ thuật.

Câu chuyện “chậm chuyến” dẫu Cục HKVN vào một ngày “đẹp trời” đã đổi sang thành khái niệm “bay chưa đúng giờ” nhưng đúng là đang là câu chuyện không hề nhỏ, gây thiệt hại về nhiều mặt. Chúng ta đang “tắc” không chỉ ở đô thị, không chỉ đường bộ mà đã “tắc” cả trên trời.

Trước hình hình đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) và chống ùn tắc giao thông (UTGT) giai đoạn 2018-2021, trong văn bản này có nội dung “chống bay chưa đúng giờ” Trước đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT và chống UTGT, trong đó có HKDD.

Bộ GTVT được giao nhiệm vụ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn HKDD tại các cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; Hoàn thiện các phương thức bay đảm bảo công tác điều hành, khai thác mạng đường bay hiệu quả và tránh việc ùn tắc trên không; nâng cao năng lực giải phóng hành khách và hàng hóa tại các cảng hàng không, sân bay.

Bộ GTVT nhanh chóng có giải pháp chống UTGT và bảo đảm ATGT cho các sân bay lớn, trên bầu trời, trong cảng hàng không và hệ thống giao thông tiếp cận sân bay; quản lý phát triển vận tải hàng không bền vững tránh phát triển nóng. Đặc biệt, giảm tình trạng chậm hủy chuyến, tăng cường chế tài xử phạt hành chính về chậm hủy chuyến.

Liệu có khắc phục được tình trạng “bay chưa đúng giờ”? Phải bắt đầu đầu bằng giải pháp lập kế hoạch, điều hành và kiểm soát chặt chẽ các công đoạn trong quá trình khai thác, cung ứng dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng công tác kỹ thuật. Ngoài “lỗi chủ quan”, phải nói rằng: việc phát triển quá "nóng" của lĩnh vực HKDD đã và đang tạo ra áp lực và những khó khăn nhất định đối với các hãng hàng không nội địa và các doanh nghiệp liên quan. “Bay chưa đúng giờ” có nguyên nhân này. Chống “tắc” trên trời phải giải quyết được vấn đề “thông” tại các cảng hàng không, nguồn nhân lực điều hành quản lý bay.

Kết cấu hạ tầng hàng không hiện tại phụ thuộc vào vốn nếu muốn sửa chữa, nâng cấp, xây mới (như dự án sân bay Long Thành) nhưng những vấn đề về điều hành, quản lý bay phải khắc phục ngay mới có thể khắc phục được “tắc trên trời”.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ca-phe-luat/khach-quan-va-y-chi-412362.html