Khách hàng thua kiện vụ tranh chấp về 'sở hữu kỳ nghỉ'

Trong khi đại diện VKSND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đề nghị dừng phiên tòa để xác định có căn cứ pháp luật cho phép doanh nghiệp bán 'sở hữu kỳ nghỉ' hay không thì HĐXX vẫn tuyên án.

Ngày 16-11, TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã tuyên bác yêu cầu của nguyên đơn là vợ chồng bà Nguyễn Thị Long Tuyền (ngụ TP.HCM) kiện Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (gọi tắt là Công ty Vịnh Thiên Đường).

Đây là phiên xử sơ thẩm tranh chấp hợp đồng dịch vụ đầu tiên trong 27 vụ tranh chấp tương tự mà tòa sẽ xử đến cuối tháng 11-2018.

Toàn cảnh phiên tòa khi chủ tọa tuyên án. Ảnh: TẤN LỘC

Toàn cảnh phiên tòa khi chủ tọa tuyên án. Ảnh: TẤN LỘC

Khách hàng: Bị lừa dối khi giao dịch

Theo trình bày của người được nguyên đơn ủy quyền, vợ chồng bà Tuyền được Công ty Vịnh Thiên Đường mời đến dự hội thảo giới thiệu về dự án khu nghỉ dưỡng Alma Nha Trang. Tháng 2-2017, bà Tuyền ký với đại diện công ty này giấy xác nhận đặt chỗ rồi lần lượt đóng tiền. Tiếp đó, bà Tuyền ký với Công ty Vịnh Thiên Đường hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ rồi được ngân hàng cho vay trả để thanh toán hợp đồng theo nhiều đợt.

Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, bà Tuyền cho rằng vợ chồng bà bị Công ty Vịnh Thiên Đường lừa dối, thực hiện không đúng với giới thiệu ban đầu. Theo đại diện nguyên đơn, trong quá trình giao dịch trước khi ký hợp đồng, Công ty Vịnh Thiên Đường đã lừa dối khách hàng khi đưa ra nhiều thông tin không đúng về dự án, chủ đầu tư, sản phẩm… Thậm chí, công ty này còn đưa ra nhiều thông tin, quảng cáo sai lệch để lừa khách hàng. Cách thông tin giới thiệu của Công ty Vịnh Thiên Đường còn cố tình gây nhầm lẫn đối khách hàng. Đó là khách hàng nghĩ đây là căn hộ du lịch hoặc một dạng bất động sản nếu mua sẽ được sở hữu trong thời gian nhất định. Mặt khác, Công ty Vịnh Thiên Đường giới thiệu đây là dự án Alma Nha Trang khiến khách hàng tưởng khu nghỉ dưỡng này ở Nha Trang chứ không phải ở bán đảo Cam Ranh thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Đại diện nguyên đơn cho rằng Công ty Vịnh Thiên Đường lừa dối khách hàng trong quá trình giao dịch. Ảnh: TẤN LỘC

Đại diện nguyên đơn cũng cho rằng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ được Công ty Vịnh Thiên Đường soạn sẵn với nội dung hết sức rắc rối, có nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng. Mặt khác, hợp đồng này có một số điều khoản vi phạm pháp luật như công ty tự thanh toán không đúng quy định, Công ty Vịnh Thiên Đường là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng tham gia tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái với quy định pháp luật. Vợ chồng bà Tuyền yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là vô hiệu, đồng thời buộc Công ty Vịnh Thiên Đường hoàn trả hơn 300 triệu đồng.

Khách hàng cho rằng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ được soạn sẵn với nội dung hết sức rắc rối, có nhiều điều khoản không phù hợp, gây bất lợi cho khách hàng. Ảnh: TẤN LỘC

Trong khi đó, đại diện bị đơn phủ nhận hầu hết các viện dẫn, lập luận của nguyên đơn. Phía bị đơn cho rằng không ép buộc khách hàng, việc ký hợp đồng do khách hàng tự nguyện, việc thực hiện thanh toán theo đúng quy định… Nguyên đơn khẳng định sở hữu kỳ nghỉ là sở hữu dịch vụ chứ không phải quyền sở hữu tài sản và đây là hình thức mới ở Việt Nam. Đại diện Công ty Vịnh Thiên Đường yêu cầu bà Tuyền tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký và công ty sẽ hỗ trợ 50% tiền lãi suất ngân hàng.

VKS: Dừng phiên tòa để xác định căn cứ

Phát biểu quan điểm giải quyết vụ kiện, đại diện VKSND TP Nha Trang đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa để thu thập tài liệu, xác định Công ty Vịnh Thiên Đường có được phép bán, trao đổi sở hữu kỳ nghỉ khi chưa hoàn thành xây dựng dự án Alma Nha Trang hay không.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đề nghị này không cần thiết vì đây không phải là hợp đồng kinh doanh bất động sản mà là hợp đồng dịch vụ du lịch, thực chất là hợp đồng đặt cọc để sở hữu kỳ nghỉ. HĐXX cũng xác định đây là một khái niệm rất mới ở Việt Nam, trong đó người mua được quyền sở hữu kỳ nghỉ trong thời gian nhất định, không đồng nghĩa với sở hữu bất động sản.

Dự án Alma Nha Trang tại huyện Cam Lâm bị chậm tiến độ cam kết. Ảnh: TẤN LỘC

HĐXX cũng bác bỏ toàn bộ các chứng cứ, viện dẫn, lý do của phía nguyên đơn. Theo HĐXX, không có căn cứ để cho rằng Công ty Vịnh Thiên Đường lừa dối khách hàng; không có bằng chứng cho thấy một trong các bên giao kết bị lừa dối. HĐXX cho rằng hợp đồng sở hữu trên không thuộc trường hợp vô hiệu nên phát sinh hiệu lực. Từ đó, HĐXX tuyên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì không có căn cứ.

Thụ lý 37 vụ, hòa giải được 10 vụ

Theo TAND TP Nha Trang, tòa này đã thụ lý 37 vụ khách hàng kiện Công ty Vịnh Thiên Đường yêu cầu tuyên bố hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là vô hiệu, đồng thời buộc công ty này trả lại tiền khách hàng đã thanh toán. Gần đến thời điểm đưa các vụ án trên ra xét xử, có 10 vụ được hòa giải thành, khách hàng rút đơn khởi kiện. Tuy nhiên, theo yêu cầu của các bên đương sự, cả TAND TP Nha Trang và luật sư đều không tiết lộ kết quả thương lượng khi hòa giải.

Trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có nêu: Các bên có thỏa thuận, giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) theo các quy tắc trọng tài của SIAC. Ban đầu, hợp đồng này còn quy định tranh chấp giữa các bên sẽ được thực hiện bằng tiếng Anh theo luật của Israel - quốc tịch của tỉ phú Igal David Ahouvi, một trong những nhà đầu tư của dự án Alma Nha Trang.

Lúc đầu, nhiều khách hành khởi kiện ra TAND TP Nha Trang nhưng tòa này không thụ lý với lý do cho rằng không thuộc thẩm quyền. Sau khi có nhiều người khiếu nại, khởi kiện, TAND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu TAND TP Nha Trang phải thụ lý giải quyết các vụ kiện trên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

TẤN LỘC

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/khach-hang-thua-kien-vu-tranh-chap-ve-so-huu-ky-nghi-803101.html