Khách hàng không giao dịch mà mất tiền thì ngân hàng phải đền bù

Theo luật sư Thanh Đức, khách hàng không rút tiền, không giao dịch mà mất tiền thì ngân hàng phải đền. Tuy nhiên, khách hàng vẫn luôn là người chịu thiệt.

Không ít khách hàng tá hỏa vì tiền trong sổ tiết kiệm bỗng dưng "bốc hơi". Ảnh: PV.

Nhiều lỗ hổng quản lý

Từ các đại án ngân hàng như vụ Huyền Như đến những vụ việc xảy ra gần đây như chủ thẻ VIB mất hơn 1.500 USD ở Mỹ, chủ thẻ Vietcombank bị trộm 500 triệu đồng niềm tin của dư luận vào hệ thống ngân hàng giảm đi rất nhiều.

Trong chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV một trong số các nội dung được người dân, dư luận quan tâm chính là việc các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến và bỏ phiếu thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Trong Luật Các tổ chức tín dụng, bên cạnh vấn đề nên hay không nên cho phá sản ngân hàng dư luận còn băn khoăn đến quyền lợi người gửi tiền khi cán bộ ngân hàng có sai phạm.

Chi nhánh OceanBank tại Hải Phòng hiện vẫn đang hoạt động bình thường. Ảnh: Tuổi Trẻ

Thời gian vừa qua, hàng loạt thông tin về việc tiền trong tài khoản bỗng dưng biến mất hoặc mặc dù không giao dịch nhưng khách hàng nhận được tin nhắn báo trừ tiền trong tài khoản cùng nhiều sự cố liên quan đến tiền gửi của khách hàng... khiến niềm tin vào sự an toàn của nhiều ngân hàng Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mới đây nhất, là sự việc 17 sổ tiết kiệm hơn 400 tỷ "bốc hơi' sau 5 năm gửi tại Oceanbank. Sự việc bắt nguồn từ năm 2012, 17 khách hàng đến OceanBank Hải Phòng trên đường Tô Hiệu để gửi tiết kiệm. Nhận sổ tiết kiệm từ ngân hàng, các khách hàng đã kiểm tra đối chiếu số tiền ghi trước khi mang về nhà cất giữ. Tuy nhiên, sau 5 năm, đầu tháng 9/2017, họ đi tất toán thì được thông báo sổ không hợp lệ, hơn 400 tỷ đồng không có trong hệ thống.

Trong vụ việc này, ba người đã bị khởi tố là bà Trần Thị Kim Chi - nguyên giám đốc chi nhánh, Nguyễn Thị Minh Huệ - nguyên trưởng phòng kế toán kho quỹ, Lê Vương Hoàng - nguyên kiểm soát viên kế toán. Cả ba người này đã câu kết lừa đảo 17 khách hàng mở sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng, nhưng số tiền này không có trong hệ thống ngân hàng.

Để phục vụ công tác xác minh điều tra, ngân hàng được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng hồ sơ tài liệu, dữ liệu và dừng giao dịch những thẻ tiết kiệm có dấu hiệu làm giả cho đến khi có quyết định của cơ quan điều tra.

Giữa tháng 8/2017, khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng TMCP Vietinbank chi nhánh Đoan Hùng (Phú Thọ) tá hỏa khi đi tất toán sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng với số tiền gốc là 800 triệu đồng nhưng... chỉ còn lại 10 triệu đồng.

Số tiền 790 triệu đã được rút 2 lần từ năm ngoái. Lần thứ nhất vào ngày 2/12/2016 với số tiền là 400 triệu đồng. Lần thứ 2 vào ngày 5/12/2016 với số tiền 390 triệu đồng.

Sổ tiết kiệm của khách hàng bị mất 800 triệu tại Ngân hàng VietinBank - Ảnh nguồn Báo GĐVN

Đáng nói, sổ tiết kiệm gốc mà khách hàng đang giữ không hề có bất cứ xác nhận nào từ phía ngân hàng về 2 lần rút tiền trên. Sổ tiết kiệm của vị khách có đầy đủ thông tin xác nhận số tài khoản tiết kiệm trên hệ thống, dấu đỏ, chữ ký của trưởng phòng giao dịch nhà băng này.

Vụ việc được ngân hàng chuyển đến công an để điều tra. Sau đó, một trưởng phòng của nhà băng đã bị bắt với hành vi tham ô tài sản. Vì ngoài số tiền chiếm đoạt 800 triệu trên, bà trưởng phòng này còn chiếm đoạt của nhiều khách hàng khác với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Quá trình điều tra cho thấy, từ tháng 10/2011 đến tháng 5/2017, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nữ trưởng phòng này có hành vi tự ý rút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, rồi chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân. Cụ thể, khi khách gửi vào ngân hàng, bà hướng dẫn ký mẫu chữ ký để đăng ký giao dịch, có 3 trường hợp người gửi tiền tiết kiệm, vì tin tưởng nên nhờ bà ký hộ.

Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, bà trưởng phòng tự ý ký giả chữ ký của 3 người, sau đó rút tiền sử dụng chi tiêu cá nhân. Ngoài ra, khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm, nữ trưởng phòng còn dùng thủ đoạn cho họ ký trước vào "Giấy lĩnh tiền mặt", "Bảng kê giao nhận tiền mặt" khống, sau đó tự ý rút tiền của sổ tiết kiệm.

Trước đó phản ánh tới báo chí bà T.T.T.Phúc (Hà Nội) cho biết bị mất đến 4,2 tỷ đồng một cách vô lý tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Theo đó, bà gửi tiền tại Phòng giao dịch Nguyễn Khuyến (Hà Nội) của SCB hơn 4,2 tỉ đồng để chuẩn bị mua nhà. Ngày 19/11/2015, bà Phúc ra SCB rút tiền thì được biết ngày 5/10/2015 số tiền này đã được chuyển qua một tài khoản khác tên Hà.

Bà Phúc kể, ngân hàng khăng khăng đã thực hiện chuyển tiền theo ủy quyền của bà nhưng không xuất trình được hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật. Bà Phúc cho rằng, SCB làm sai quy trình dẫn đến thất thoát 4,2 tỉ đồng của bà.

Hay vụ việc Công ty Đầu tư và Phát triển Quang Huân, TP.Hồ Chí Minh tố một số nhân viên của Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VP Bank) cấu hết với kế toán doanh nghiệp làm thiệt hại cho công ty số tiền lên đến 26 tỷ đồng.

Trước đó, phản ánh đến cơ quan báo chí ông Phan Diệu Chương (phường Dịch Vọng, thành phố Hà Nội) cho biết, sau khi được Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) mời mở thẻ tín dụng VIB, ông đã mở thẻ visa mang tên ông (thẻ chính) và một thẻ phụ mang tên con gái ông là chị Phan Lê Hằng Giang với mục đích chu cấp tiền cho con gái ông trong quá trình du học tại Mỹ.

Ngày 9/10/2014, con gái ông Chương, chị Phan Lê Hằng Giang (lúc đó du học tại Mỹ) phát hiện có 3 giao dịch mua hàng lên tới hơn 1.500 USD qua tài khoản phụ của chị. Hóa đơn mua hàng cho thấy chữ ký là của một người khác. Ở thời điểm xảy ra giao dịch, chị Giang đang ở trong ký túc xá cách đó 150km.

Ngay sau đó ông Chương đã thông báo sự việc với VIB, trong khi thiệt hại khách hàng chưa được giải quyết, thì đến tháng 2/2015 VIB thông báo khách hàng phải thanh toán tiền gốc và lãi phát sinh (tức số tiền dư nợ 1.500 USD mà khách hàng bị “mất cắp” và lãi từ số tiền này – PV) lên đến 48 triệu đồng.

Mặc dù khách hàng không đồng ý với cách giải quyết của VIB, tuy nhiên đến nay, theo thông báo của VIB số tiền dư nợ cả gốc lẫn lãi từ giao dịch này lên đến gần 100 triệu đồng.

Tương tự như 2 trường hợp trên, theo phản ánh của anh Nguyễn Sĩ Thanh (SN 1982, quê Đồng Tháp), năm 2011 để tiện cho việc thanh toán, chi tiêu tiêu dùng anh Thanh bắt đầu sử dụng dịch vụ ATM của Ngân hàng Đông Á (được đăng kí tại chi nhánh ngân hàng Đông Á KCN Sóng Thần, P.Dĩ An, Thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Ngân hàng mất tiền tại Ngân hàng Đông Á

Hàng tháng công ty nơi anh Thanh làm việc cũng chuyển lương vào tài khoản của anh tịa Ngân hàng Đông Á. Theo lịch, công ty sẽ trả lương cho ngày lao động vào ngày 21 hằng tháng. Ngày 22/7/2016, anh Thanh nhờ vợ đi rút tiền để hai vợ chồng cùng về quê.

Tuy nhiên, khi thực hiện in sao kê trên máy ATM, vợ anh Thanh phát hiện tài khoản chồng bị mất 74 triệu đồng. Ngay sau sự cố, anh Thanh đã báo với Ngân hàng Đông Á và yêu cầu xử lý vụ việc và có câu trả lời thỏa đáng về số tiền bị mất. Tuy nhiên phía Ngân hàng Đông Á lại đẩy trách nhiệm sang cơ quan công an.

Điểm chung của các sự cố trên ở chỗ, khi xảy ra vấn đề về tiền gửi của khách hàng, các ngân hàng thường xử lý vụ việc chậm trễ, khiến vụ việc kéo dài hoặc cuối cùng, đẩy trách nhiệm sang cơ quan điều tra.

Mất niềm tin

Liên quan vụ việc khách hàng gửi tiền ngân hàng bị mất không rõ lý do, tuy nhiên việc xử lý giải quyết chưa được quan tâm đúng mức. Trao đổi với PV TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho rằng: “Những sự cố khách hàng mất tiền trong tài khoản xảy ra không chỉ với hệ thống ngân hàng tại Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới cả ở nước phát triển hay đang phát triển. Chỉ khác nhau về quy mô, tính chất và mức độ vi phạm”.

TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Riêng hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong thời gian gần đây liên tục xảy ra sự cố mất tiền của khách hàng với số vụ tăng lên xảy ra ở nhiều ngân hàng với hình thức, tính chất khác nhau... Xuất phát từ 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, thể chế ngân hàng, nghiệp vụ, luật, các quy định kinh doanh để đảm bảo hoạt động tốt cho hệ thống ngân hàng một cách minh bạch, rõ ràng, hiệu quả và an toàn vẫn đang trong quá trình hình thành, chưa chuẩn như các nước còn nhiều lỗ hổng.

Trong khi đó tội phạm mạng, hacker nhắm đến hệ thống ngân hàng để tấn công ngày một tinh vi nên các ngân hàng càng gặp khó trong việc đối phó.

Thứ hai, bộ máy con người trong các ngân hàng từ quản lý giám sát, thực hiện nhiệm vụ vẫn chưa đáp ứng.

Đâu đó trình độ cán bộ ngân hàng vẫn thấp kém, vẫn có những sơ hở hoặc do tính chuyên môn chưa cao. Cùng với đó do chuyên môn nghiệp vụ nên khi xử lý những vụ việc cụ thể không tốt dẫn đến phản ứng trong dư luận.

Thứ ba, công nghệ và quản trị. Từ hệ thống bảo mật, hệ thống máy ATM, hệ thống bảo mật, bảo vệ chưa hoàn thiện.

“Cùng với việc không có thể chế, yếu trong quản trị dẫn đến khi xảy ra sự cố ngân hàng đổ cho khách hàng, khách hàng ý kiến lại ngân hàng từ đây tạo dư luận không tốt”, TS. Kiêm cho hay.

Theo nguyên Thống đốc, hiện nay bên cạnh trình độ nghiệp vụ của cán bộ chưa cao, ý thức giữ gìn bảo vệ thương hiệu của các ngân hàng trong nước cũng kém.

“Thường khi xảy ra sự việc, ngân hàng nào cũng sợ mất tiền, mất uy tín nên tìm cách đẩy trách nhiệm cho khách hàng hoặc chuyển sang cơ quan điểu tra... dẫn đến khách hàng không hài lòng, không tạo hài hòa trong mối quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng để giữ thương hiệu giữ tín hiệu.

Các ngân hàng cần xem xét, tính toán các mức độ sự cố... Nếu các khoản tiền mất không lớn, do khách hàng không lường đoán được hoặc do tội phạm tấn công... ngân hàng có thể dùng quỹ dự phòng rủi ro để hỗ trợ khách hàng để làm yên dư luận, xây dựng lòng tin khách hàng”, TS. Kiêm cho hay.

Chia sẻ quan điểm về quyền lợi khách hàng trong những vụ việc bị mất tiền khi gửi ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - VNBA) cho rằng, về nguyên tắc khi xảy ra tranh chấp vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra nên phải chờ kết luận, khi chưa có kết luận không thể nói ngân hàng hay doanh nghiệp, người dân ai đúng ai sai.

Tuy nhiên quan thực tế theo dõi các vụ việc liên quan tranh chấp ngân hàng LS Trương Thanh Đức cho biết, đang có hiện tượng lãnh đạo doanh nghiệp, người dân do không hiểu biết hoặc ỉ lại và quá tin tưởng vào cán bộ phận ngân hàng dẫn đến bị lợi dụng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, từ các đại án ngân hàng như vụ Huyền Như đến những vụ việc xảy ra gần đây như chủ thẻ VIB mất hơn 1.500 USD ở Mỹ, chủ thẻ Vietcombank bị trộm 500 triệu đồng đến vụ việc này thì niềm tin của dư luận vào hệ thống ngân hàng giảm đi rất nhiều.

“Theo nguyên tắc, khách hàng không rút tiền, không giao dịch mà mất tiền thì ngân hàng phải đền. Vì thế, các ngân hàng cần có sự quản lý chặt chẽ để bảo đảm điều này”, Luật sư Đức nói.

Nguồn SHTT: http://www.sohuutritue.net.vn/khach-hang-khong-giao-dich-ma-mat-tien-thi-ngan-hang-phai-den-bu-d16399.html