Khách hàng dự án Viet-inc mong lấy lại tiền

Trong vụ việc chủ đầu tư dự án Viet-inc huy động vốn trái phép, cơ quan điều tra đã làm rõ đích đến của dòng tiền phạm pháp, nên hàng trăm khách hàng mắc kẹt tại dự án 'ảo' này hy vọng sẽ lấy lại được tiền. Trong một vụ việc tương tự trước đó là dự án B5 Cầu Diễn, tòa án đã yêu cầu chủ đầu tư cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn trả lại tiền.

Dự án Viet-inc huy động trái phép 265,2 tỷ đồng

Điểm chung của dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-inc (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) và dự án B5 Cầu Diễn (do liên danh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội - Công ty HAIC và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất - Housing Group làm chủ đầu tư, bà Châu Thị Thu Nga là Chủ tịch Hội đồng quản trị Housing Group) là dù mới được giao đất và chưa được cấp phép giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã huy động hàng trăm tỷ đồng của khách hàng.

Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-inc có điểm khác biệt là chủ đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và bất động sản Việt không trực tiếp huy động vốn. Được giao đất năm 2008, đến năm 2009, Công ty Bất động sản Việt bắt tay hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải để xây dựng dự án này. Công ty Hưng Hải trả 57 tỷ đồng để được hưởng 90% quyền thực hiện dự án, tỷ lệ của Công ty Bất động sản Việt là 10%. Khi đó, dự án bị tạm dừng triển khai vì TP. Hà Nội mở rộng địa giới hành chính nên cần rà soát lại quy hoạch.

Năm 2010, Nguyễn Thị Minh Thương (nhân viên Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST) biết thông tin dự án này nên đã giới thiệu Phạm Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TST) để mua lại 90% quyền sở hữu dự án của Công ty Hưng Hải.

Để sở hữu tỷ lệ trên, Công ty TST đã phải trả 295 tỷ đồng, gấp 5 lần so với số tiền Công ty Hưng Hải bỏ ra. Sau khi ký xong hợp đồng ba bên, Công ty TST thành lập Ban Quản lý dự án và giao cho Nguyễn Thị Minh Thương làm Trưởng Ban Quản lý toàn quyền thực hiện dự án. Trên giấy tờ pháp lý, Công ty TST không phải là chủ đầu tư dự án.

Dự án cũng chưa có quyết định thu hồi đất, chưa giải phóng mặt bằng, nhưng để có tiền trả Công ty Hưng Hải và tìm kiếm lợi nhuận, Phạm Mạnh Cường và Nguyễn Thị Minh Thương lập phương án thay đổi quy hoạch, chủ yếu bán nhà liền kề. Khi đó, số tiền thu được lên đến 1.230 tỷ đồng, trừ các chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 405 tỷ đồng.

Chỉ trong vòng hơn 1 năm (từ năm 2010 đến 2011), có 148 người ký 176 hợp đồng mua 178 lô đất tại dự án. Công ty TST huy động vốn trái phép số tiền 265,2 tỷ đồng. Sau đó, Công ty TST đưa 248 tỷ đồng (tiền mặt) cho Nguyễn Thị Minh Thương để trả tiền mua 90% quyền sở hữu dự án cho Công ty Hưng Hải.

Cơ hội thu hồi tiền nhìn từ vụ án B5 Cầu Diễn

Trong dự án Viet-inc, nguồn tiền chiếm đoạt của các bị hại đã được cơ quan điều tra xác định đích đến. Căn cứ vào đơn tố cáo của khách hàng, cơ quan điều tra yêu cầu Công ty Hưng Hải phải lập tức nộp lại 248 tỷ đồng để hoàn trả cho các bị hại, bởi đây là số tiền do phạm tội mà có, được coi là vật chứng nên cần thu hồi lại. Tuy nhiên, Công ty Hưng Hải đã viện nhiều lý do để không nộp lại số tiền này.

Ông Mai Thạch Kim - Giám đốc Công ty Hưng Hải cho rằng: “Số tiền 248 tỷ đồng nằm trong thỏa thuận hợp đồng 2 bên. Đây là giao dịch mua bán và quyền hợp tác đầu tư được coi như một loại hàng hóa. Việc chuyển giao quyền hợp tác đầu tư không phải là chuyển nhượng dự án. Số tiền 248 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Công ty không biết việc huy động vốn trái pháp luật của Công ty TST)”.

Luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật hợp danh Bross và cộng sự) cho biết, theo quy định, đã là vật chứng thì phải thu hồi để đảm bảo quyền lợi cho các bị hại. Đồng thời, pháp luật vẫn sẽ bảo hộ quyền lợi cho bên thứ ba (người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan) bằng việc trao cho họ quyền được khởi kiện đòi tiền pháp nhân đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, người có nghĩa vụ liên quan vẫn phải chịu những thiệt thòi nhất định, cho dù luật pháp đã tính đến phần lỗi của các bên.

Khi vướng phải các dự án “ma”, dự án “ảo” hay dự án bị tạm dừng, không có khả năng triển khai, khách hàng chỉ còn trông chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đòi lại tiền. Việc theo kiện có thể kéo dài, nhưng vẫn có cơ hội lấy lại tiền một khi cơ quan điều tra làm rõ dòng tiền đi về đâu.

Tại vụ án B5 Cầu Diễn, trong hơn 348 tỷ đồng mà Housing Group thu bất hợp pháp, có nhiều khoản đầu tư đã được làm sáng rõ như chi trả cho các nhà thầu đền bù giải phóng mặt bằng, thuê đo đạc lập bản đồ hiện trạng, thuê thiết kế bản vẽ, khoan khảo sát địa chất công trình, lập quy hoạch tổng mặt bằng, thi công cọc nhồi đại trà…

Những khoản chi mà cá nhân bà Châu Thị Thu Nga thực hiện như mua cổ phần, góp vốn vào các doanh nghiệp, hợp tác với các hãng phim... cũng được sáng tỏ. Cơ quan điều tra đã bóc tách từng hợp đồng và làm rõ có 219,6 tỷ đồng có chứng từ, số còn lại 157 tỷ đồng không có chứng từ, kế toán trưởng Công ty hạch toán vào công nợ của bà Nga.

Khi giải quyết vụ án hình sự, cơ quan tố tụng cũng giải quyết triệt để vấn đề dân sự để đảm bảo quyền lợi của các khách hàng. Theo đó, tòa án buộc 46 công ty liên quan là những nhà thầu đã nhận tiền từ Housing Group để thực hiện một số hạng mục tại dự án B5 Cầu Diễn và các dự án khác phải hoàn trả lại tiền để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án về bồi thường.

Đối với những khoản bà Nga đầu tư cá nhân, tòa án truy soát từng hợp đồng để buộc các bên liên quan hoàn trả tiền cho khách hàng. Bên cạnh đó, tòa án dành quyền khởi kiện cho các pháp nhân trên đối với Housing Group theo các hợp đồng kinh tế mà hai bên đã ký kết trong vụ án dân sự khác.

Đối với khoản tiền chi hoa hồng môi giới, bà Nga có khai nhận chi 157 triệu đồng cho 11 cá nhân giới thiệu khách hàng nộp tiền góp vốn vào dự án. Xác minh, cơ quan điều tra ghi nhận, có 7 cá nhân đứng tên trong các phiếu chi nhận số tiền 114 triệu đồng, còn 4 cá nhân không xác định địa chỉ cụ thể. Do vậy, tòa án buộc 7 cá nhân phải hoàn trả lại tiền.

Trở lại dự án Viet-inc, nhiều bị hại có đơn tố giác đơn vị môi giới là Công ty cổ phần Bất động sản Hương Đất và Công ty cổ phần Bất động sản Tú Minh nhận tiền chênh ngoài hợp đồng. Có trường hợp ông Lê Văn Thuế (ở quận Ba Đình, Hà Nội) nộp 50% giá trị hợp đồng và tiền chênh cho bà Đỗ Thị Hương (Công ty Hương Đất) hơn 1,3 tỷ đồng có biên nhận; bà Nguyễn Thị Vũ Thịnh nộp 480 triệu đồng có biên nhận; ông Nguyễn Tuấn Anh (ở quận Hà Đông, Hà Nội) nộp 1 tỷ đồng không có biên nhận… Khách hàng đề nghị cơ quan điều tra xác định các đối tượng môi giới trả lại tiền chênh hợp đồng.

Có thể thấy, từ vụ án B5 Cầu Diễn, việc xác minh những khoản tiền bất hợp pháp không phải là bất khả thi. Do đó, khách hàng của dự án Viet-inc kỳ vọng sẽ đạt kết quả tương tự trong những phiên tòa diễn ra tới đây.

Điều 47 - Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu, mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp . Khi vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”.

Đỗ Mến - Bùi Trang

Vụ án “vẽ quy hoạch” lừa đảo tại Dự án Viet-Inc: Người chết vẫn ký vào hồ sơ chuyển nhượng cổ phần

Chiếm đoạt tiền của khách hàng tại Dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc: Ai tiếp tay cho Công ty TST?

Đau rát họng, ho đờm lâu ngày: Biết mẹo này mừng hơn bắt được vàng!

Tin tài trợ

Xét xử vụ lừa đảo dự án Viet-inc: Các công ty môi giới vắng mặt

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/khach-hang-du-an-vietinc-mong-lay-lai-tien-207919.html