Khách hàng bức xúc, lỗi của các nhà mạng

VH- Thông báo thời hạn bổ sung thông tin cá nhân cho các thuê bao di động là hết ngày 24.4 xem ra không có hiệu lực khi có khá nhiều khách hàng vẫn chưa đến các điểm dịch vụ để làm thủ tục theo quy định. Và thời điểm 24.4 đã trôi qua nhưng chưa có bất kỳ nhà mạng nào thông báo khóa liên lạc các thuê bao của họ.

Ngày cuối của thời hạn bổ sung thông tin cá nhân, các điểm đăng ký đã vắng bớt

“Nước đến chân mới nhảy”

Tình trạng ùn tắc, mất thời gian, lộn xộn tại các điểm đăng ký bổ sung thông tin khiến cho các nhân viên nhà mạng vô cùng vất vả và khách hàng bức xúc khi họ trở thành nạn nhân của một lề lối làm việc tắc trách của các nhà mạng. Trước tình trạng khó khắc phục như vậy, các nhà mạng buộc phải đề xuất gia hạn thời hạn triển khai bổ sung thông tin cá nhân thuê bao.

Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, Nghị định 49 có hiệu lực từ tháng 4.2017, nghĩa là các doanh nghiệp viễn thông đã có một năm để thực hiện nhưng gần tới thời hạn chót, các doanh nghiệp mới triển khai nhắn tin cho khách hàng.

Đại diện Cục Viễn thông cũng cho rằng, đểxảy ra bức xúc của khách hàng làlỗi của các nhàmạng. Thực tế, thời gian triển khai Nghị định 49 không phải gấp gáp. Văn bản này đã được ban hành cách đây một năm, cơ quan quản lý cũng đã nhiều lần tổ chức cuộc họp, ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai. Lẽ ra nhà mạng sẽ phải chia nhóm để thông báo tới khách hàng từ lâu. Tuy nhiên, gần như trong một năm qua, nhà mạng không làm gì mà đến gần sát ngày mới nhắn tin các chủ thuê bao, khiến việc cập nhật bị quá tải. Được biết, tại buổi làm việc với các nhà mạng mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng khẳng định không thể lùi thời điểm thực hiện việc bổ sung thông tin thuê bao bởi đây là Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, các nhà mạng cần thực hiện linh hoạt trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.

Nhà mạng “ba đầu sáu tay” cũng không thể

Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia viễn thông ngay từ khi các nhà mạng bắt đầu thông báo tới các thuê bao, yêu cầu bổ sung thông tin cá nhân còn thiếu, trong đó có phần quan trọng nhất là chụp ảnh nội dung. Tính sơ bộ thì có khoảng 38 triệu thuê bao trả trước cần hoàn thiện thông tin cá nhân mà theo nội dung tin nhắn gửi đến tất cả các thuê bao này thì việc bổ sung thông tin cá nhân phải được hoàn thành trước 24.4. Chỉ cần nhẩm tính mỗi thuê bao cần ít nhất 15 phút để hoàn thành các bản khai, chụp ảnh chân dung..., không mấy khó khăn cũng có thể kết luận các nhà mạng chắc chắn vỡ trận, không thể hoàn thành công việc đúng thời hạn. Thống kê sơ bộ đến hết ngày 24.4 vẫn còn khoảng 30 triệu thuê bao chưa đăng ký lại thông tin cá nhân. Các nhà mạng đã huy động toàn bộ nhân viên và các đại lý ủy quyền mở điểm đăng ký thông tin đến tận đêm nhưng toàn bộ hệ thống này đang quá tải.

Vào 16h chiều ngày 23.4, nhà mạng Vinaphone đã buộc phải gửi tin nhắn tới tất cả thuê bao của mình trong diện cần bổ sung thông tin: “... Để phục vụ khách hàng tốt hơn, Vinaphone sẽ kéo dài thời hạn tiếp nhận và phục vụ khách hàng cập nhật thông tin đến ngày 15.5.2018...”. Cũng trong thông tin phát đi cùng ngày, MobiFone cho biết vẫn sẽ tiếp tục hỗtrợ khách hàng cập nhật, đăng ký thông tin thuê bao tại hệ thống cửa hàng chính thức và các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do MobiFone ủy quyền. Ngay sau đó, đến lượt nhà mạng Viettel ra thông báo lùi ngày cập nhật thông tin sau hạn 24.4 để người dân có thêm thời gian chuẩn bị.

Cắt liên lạc của thuê bao không dễ

Theo Nghị định 49, việc tạm dừng, chấm dứt cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao sẽ chỉ được thực hiện nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp theo quy trình được quy định tại điểm e, khoản 8, Điều 1 của Nghị định. Theo đó, đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao. Sau ngày này mà thuê bao không đăng ký lại thông tin cá nhân thì nhà mạng sẽ phải cắt một chiều (chiều đi). Thời gian cắt liên lạc một chiều là 15 ngày và sau đó sẽ cắt liên lạc hai chiều (cả chiều gọi đi và đến) của thuê bao với thời gian là 15 ngày nữa.

Sau 1 tháng kể từ khi cắt hai chiều mà thuê bao vẫn không đi đăng ký lại thông tin cá nhân sẽ bị chấm dứt hợp đồng và thu hồi số điện thoại theo đúng quy định. “Nếu nhà mạng chưa thông báo qua SMS cho khách hàng thì không được quyền cắt liên lạc của thuê bao”, đại diện Cục Viễn thông khẳng định. Nhiều khách hàng am hiểu luật, trong đó có Nghị định 49 đã không vội bổ sung thuê bao cá nhân, một số người còn cho biết sẽ kiện nhà mạng nếu cắt liên lạc thuê bao của họ không đúng luật.

Theo đại diện Cục Viễn thông, mốc 24.4 là thời điểm doanh nghiệp phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của mình đã tuân thủ hoàn toàn theo các quy định tại Nghị định 49 với cơ quan quản lý nhà nước. Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định.

Quốc Hùng

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/kinh-t%E1%BA%BF/kh225ch-h224ng-b%E1%BB%A9c-x250c-l%E1%BB%97i-c%E1%BB%A7a-c225c-nh224-m%E1%BA%A1ng