'Khách đi xe công nghệ ở sân bay Tân Sơn Nhất phàn nàn là dễ hiểu'

TS Vũ Anh Tuấn cho rằng cần có sự linh động trong việc khai thác các làn xe tại sân bay Tân Sơn Nhất dựa trên dữ liệu về số lượng các loại xe ra vào theo từng thời điểm.

Nhiều hành khách cũng như tài xế công nghệ bức xúc, than phiền sau khi cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất áp dụng quy định phân làn, phân luồng ôtô mới từ ngày 14/11 khi phải di chuyển lên tầng cao và chịu chi phí 25.000 đồng thay vì 10.000 đồng như trước.

Theo đó, làn A chỉ dành cho phương tiện đưa khách đi máy bay. Làn B, C dành cho ôtô không kinh doanh vận tải. Làn D dành cho taxi, xe hợp đồng với sân bay. Còn xe công nghệ phải lên tầng 3-5 của nhà xe TCP để đón khách.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức - cho biết nguyên tắc thiết kế giao thông kết nối vào khu vực sân bay là các phương tiện có thể tiếp cận ngay khu vực nhà ga, những phương tiện nào chở được nhiều người cần được ưu tiên tiếp cận nhanh nhất, gần nhất.

 Hành khách phải vác hành lý lên cầu thang ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hành khách phải vác hành lý lên cầu thang ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cần sự linh động từ đơn vị khai thác

Việc ưu tiên những xe đóng phí, có hợp đồng với sân bay cũng là một nguyên tắc. Trên thực tế, nhà ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất đón lượng hành khách đi và đến sân bay rất lớn. Do đó, cơ quan chức năng buộc phải phân làn, phân luồng ôtô vì nếu để tất cả loại xe tập trung vào một sảnh sẽ tạo ra ùn tắc.

"Hành khách đi xe công nghệ phàn nàn khi phải di chuyển lên lầu là điều dễ hiểu. Họ đã trả phí sử dụng sân bay khi mua vé máy bay. Tất cả người sử dụng sân bay trả phí như nhau có quyền tiếp cận giống nhau. Điều đó hoàn toàn đúng”, tiến sĩ Tuấn nói với Zing.

Nhưng ông cũng nhấn mạnh nếu nhà chức trách chiều lòng tất cả hành khách để ai cũng có thể sử dụng xe ở tầng trệt, hàng nghìn taxi và xe công nghệ sẽ đổ dồn vào một điểm trong giờ cao điểm khi số lượng máy bay cất hạ cánh nhiều. Hậu quả là khu vực cửa vào sẽ ùn tắc nặng và ảnh hưởng hoạt động khai thác nhà ga sân bay.

Việc phân chia khu vực đón khách của taxi truyền thống và xe công nghệ để các phương tiện đều có thể tiếp cận sân bay. Khách hàng chọn taxi sẽ đón xe dễ dàng hơn. Những hành khách muốn đi xe công nghệ thì phải lên tầng, tiếp cận khó hơn.

Hành khách xếp hàng chờ thang máy để đón xe công nghệ ở tầng 3-5 bãi xe sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Nhưng như vậy còn hơn là không có sự phân làn, tất cả phương tiện sẽ cùng đổ xuống mặt đất và khả năng tiếp cận phương tiện trong trường hợp này càng khó”, ông phân tích. Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn nhận định trong điều kiện hạ tầng hiện tại của sân bay Tân Sơn Nhất, giải pháp phân làn hiện tại là phù hợp từ góc độ tổ chức, quản lý giao thông.

Ông Tuấn cũng lưu ý đơn vị quản lý cần sự linh động trong việc khai thác các làn xe tại sân bay. Nếu các làn B, C vắng xe cần cho xe khác tiếp cận trở lại khu vực này. Hoặc trong thời điểm xe công nghệ quá nhiều, có thể xem xét cho một số xe xuống bên dưới.

"Họ phải thu thập dữ liệu các loại xe ra vào sân bay để phân tách cho hợp lý theo ngày, theo từng khung giờ để đảm bảo khả năng tiếp cận tốt nhất có thể cho hành khách", giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức nêu quan điểm.

"Không liên kết sân bay, khách đi xe công nghệ sẽ giảm"

Trao đổi với Zing, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất không kham nổi lưu lượng phương tiện ra vào sân bay quá lớn nên việc phân luồng xe để tránh tình trạng quá tải là hợp lý. Theo ông, quy định khách muốn đón xe công nghệ phải di chuyển lên tầng cao của nhà xe Tân Sơn Nhất là tác động để các ứng dụng gọi xe phải liên kết với phía sân bay để phục vụ hành khách tốt hơn.

“Đây là một lựa chọn về kinh doanh. Khách hàng thay vì đi xe công nghệ giờ đi taxi, xe hợp đồng sân bay thuận tiện hơn. Nếu hãng xe công nghệ quan tâm việc phục vụ hành khách thì sẽ ký kết với sân bay để hành khách được hưởng quyền lợi như các đơn vị xe taxi, hợp đồng. Nếu không, lượng hành khách đi từ sân bay của họ sẽ giảm”, ông Sơn chia sẻ quan điểm.

Lãnh đạo cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng cho biết tất cả hãng taxi hoặc hãng kinh doanh vận tải muốn tham gia vận chuyển hành khách tại cảng hàng không đều phải tuân thủ Thông tư 17 của Bộ GTVT. Theo hợp đồng này, đơn vị vận tải sẽ trả chi phí và sân bay sẽ phân bổ vị trí đón khách hợp lý cho đối tác hợp đồng.

Theo quan sát, làn D dành cho taxi, xe hợp đồng với sân bay có khoảng hơn 15 vị trí đậu xe để đón khách. Trong đó, một nửa dành cho các đơn vị liên kết với sân bay Tân Sơn Nhất như Avigo, Satsco, Sóng Việt. Khoảng 50% vị trí còn lại dành cho các hãng taxi như Vinasun, Mai Linh, Saigontourist, Vinataxi.

Taxi, xe hợp đồng với sân bay đón khách trong làn D. Ảnh: Quỳnh Danh.

Phía sân bay cho biết các doanh nghiệp kinh doanh xe công nghệ như Grab, Be hoàn toàn có thể ký hợp đồng khai thác trong sân bay để tạo thuận lợi cho hành khách và lái xe.

Đại diện Grab cho biết trước khi quy định phân làn, phân luồng ôtô có hiệu lực vào ngày 14/11, doanh nghiệp đã gửi công văn đến cảng hàng không Tân Sơn Nhất vào ngày 6/11 đề nghị được hướng dẫn chi tiết theo phương án mới nhưng chưa nhận được phản hồi. Sau khi làm việc sơ bộ, hai bên đã sắp xếp, chuẩn bị gặp gỡ trực tiếp, làm việc để tìm phương án giải quyết những bất cập hiện tại cho hành khách, tài xế Grab.

Phía Be cũng chia sẻ với Zing đang nỗ lực phối hợp với phía sân bay Tân Sơn Nhất để hành khách, tài xế của ứng dụng di chuyển thuận hiện hơn. Doanh nghiệp này nói thêm đã bắt đầu làm việc cùng cảng hàng không Tân Sơn Nhất về vị trí đón khách từ trước khi có quy định phân luồng ôtô.

Đồ họa: Phượng Nguyễn

Việt Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khach-di-xe-cong-nghe-o-san-bay-tan-son-nhat-phan-nan-la-de-hieu-post1154152.html