'Khắc tinh' của tội phạm công nghệ cao

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT), tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng có xu hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, chúng ta có thể hy vọng xử lý được loại tội phạm này.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp

Theo một báo cáo của bộ phận bảo mật McAfee thuộc Tập đoàn công nghệ Intel, thiệt hại hàng năm do giới tội phạm mạng máy tính gây ra cho toàn thế giới ở mức khiêm tốn nhất cũng lên tới 375 tỷ USD, trong khi mức tối đa sẽ rơi vào khoảng 575 tỷ USD. Báo cáo là kết quả tổng hợp dữ liệu của 51 quốc gia trải rộng khắp nơi có tổng thu nhập quốc dân khoảng 80% của toàn thế giới. Trong bản đồ thiệt hại do “tin tặc” gây ra trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Việt Nam là quốc gia có mức độ bảo mật ở mức thấp. Số thiệt hại do “tin tặc” gây ra đối với Việt Nam ước tính vào khoảng 0,13% GDP mỗi năm.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao, ngày 4/2/2010, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an được thành lập. Từ khi thành lập đến tháng 6/2015, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên cả nước đã phát hiện và xác minh hàng nghìn nguồn tin liên quan đến hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao và các loại tội phạm khác. Trong đó, đã trực tiếp tiến hành kiểm tra, xác minh 1.193 vụ việc, xác lập và đấu tranh 75 chuyên án, triệt phá nhiều đường dây tội phạm lớn với số tiền phạm tội lên đến hàng nghìn tỷ đồng; chuyển Cơ quan điều tra các cấp tổng số 365 vụ (trong đó, khởi tố 266 vụ án hình sự với 978 bị can); chuyển cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý hành chính 265 vụ; thu giữ hàng nghìn máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động, linh kiện điện tử, các loại hàng hóa và máy móc thiết bị chuyên dụng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật ở nước ta được quan tâm đầu tư, đặc biệt lĩnh vực CNTT, viễn thông đã và đang là lĩnh vực phát triển nhanh nhất. Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi hoạt động điều tra đối với hoạt động phạm tội này phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội phạm trong lĩnh vực CNTT, viễn thông do đại diện Bộ Tư pháp giới thiệu thì Bộ luật đã bổ sung 5 tội danh mới, bao gồm: Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285); Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292); Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293); Tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294). Bộ luật cũng đồng thời sửa đổi các tội phạm trong lĩnh vực CNTT, mạng viễn thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 và sớm đưa những quy định về nhóm tội phạm CNTT và mạng viễn thông vào thi hành sẽ góp phần xử lý các hành vi vi phạm về nhóm tội phạm này được đầy đủ. Những quy định xử lý người phạm tội còn có tác dụng phòng ngừa và ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm và những lợi ích kinh tế có được do hành vi phạm tội mang lại. Việc quy định Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cơ quan của lực lượng Cảnh sát được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Minh Hải

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/ong-kinh-kiem-sat/nhan-dien-toi-pham/201711/khac-tinh-cua-toi-pham-cong-nghe-cao-2579222/