'Khắc tinh' của học sinh cá biệt

Bí quyết cảm hóa học sinh cá biệt của cô Mai Thị Kim Dung là kiên trì, nhẫn nại, lạt mềm buộc chặt vì dùng biện pháp mạnh như kỷ luật hay lớn tiếng trách mắng sẽ không có tác dụng

Năm 1990, từ quê hương Nam Định vào mảnh đất Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), cô Dung được phân công dạy hợp đồng Trường Tiểu học Phước Cát 2. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, cô được phân về dạy môn toán Trường THCS Phước Cát 1. Từ năm 2007-2016, cô Dung đảm nhiệm vai trò Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phước Cát 1 và Phước Cát 2, đến tháng 7-2016 thì được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THCS Phước Cát 2. Trong suốt 27 năm gắn bó với nghề giáo và với mảnh đất Cát Tiên, cô Dung được mệnh danh là "khắc tinh" của học sinh cá biệt.

Suýt bỏ nghề

Cách đây hơn 20 năm, Trường Phước Cát 2 chỉ là trường tiểu học, gồm những ngôi nhà gỗ lắp ghép, cơ sở vật chất hầu như chẳng có gì. Học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống khó khăn, nhiều nhà thiếu đói nên đối với họ, con chữ, tri thức là vô nghĩa. "Các em không có ý thức học tập, thường xuyên bỏ học để lên rừng, lên nương, rẫy với bố mẹ, nhiều hôm trường lớp trống trơn khiến tôi nản, suýt bỏ nghề" - cô Dung tâm sự.

Cô Mai Thị Kim Dung luôn tận tâm với học trò

Cô Mai Thị Kim Dung luôn tận tâm với học trò

Cô Dung cho biết để vận động học sinh tới trường, cô và đồng nghiệp phải đến từng nhà nói chuyện với phụ huynh, động viên các em và không ít lần phải nghe những câu hỏi thẳng thừng: "Học làm gì, học có đem lại cho cái bụng được no cơm không, thà lên nương, lên rẫy còn có cái để ăn?". Nhưng không vì điều đó mà cô Dung nản lòng, cô cứ miệt mài hằng ngày đều đặn làm phận sự của mình. Trước sự kiên trì và sự nhiệt tình của cô Dung, nhiều phụ huynh đã cảm thông và thay đổi, chịu cho con em đến lớp.

Phụ huynh còn chưa nhận thức được việc học quan trọng thì chuyện học sinh lơ là chuyện học là đương nhiên. Vì vậy, bên cạnh vận động phụ huynh, cô Dung còn tìm mọi cách để tiếp xúc, cảm hóa, nâng đỡ các em học sinh cá biệt.

Như trường hợp em Hoàng Văn Hoan, người dân tộc Tày, học sinh lớp 6A Trường THCS Phước Cát 2. Khi Hoan bỏ học, giáo viên chủ nhiệm đến nhà vận động thì em đến lớp nhưng chẳng chịu học hành gì, cứ tan học là đi chơi game hoặc tụ tập đánh nhau. Một hôm, trong giờ học nhưng thấy em không vào lớp mà ngồi ở sân trường, cô Dung ân cần thăm hỏi thì biết em bị sốt cao nên đưa đi trạm y tế và chăm sóc tận tình. Cảm động trước tình cảm của cô Dung, sau khi khỏi bệnh, Hoan trở lại trường học hành ngoan ngoãn và tiến bộ rõ rệt. "Ngày 20-11 vừa qua, thay mặt ban thi đua - khen thưởng nhà trường, cô Dung trao phần thưởng là sách vở tuyên dương Hoan trước trường vì những thành tích tiến bộ" - cô Phạm Thị Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A, tự hào kể.

Phấn đấu vì cái tâm

Trong thời gian công tác tại Trường THCS Phước Cát 1, cô Dung cùng ban giám hiệu và các thầy cô giáo nỗ lực không ngừng đưa ngôi trường này trở thành trường THCS đạt chuẩn cấp quốc gia. Khi về công tác tại Trường THCS Phước Cát 2, cô Dung lại miệt mài với mục tiêu không để học sinh bỏ học và nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học. Đến nay, trường đã vận động 100% học sinh ra lớp, duy trì sĩ số đạt 98,8%; chất lượng đào tạo mũi nhọn được nâng cao với 14 học sinh giỏi cấp huyện, 4 học sinh giỏi cấp tỉnh.

Mới đây, ngày 8-11, cô Mai Thị Kim Dung vinh dự là 1 trong 8 cá nhân, 3 tập thể của tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đã có thành tích trong công tác giáo dục - đào tạo từ năm học 2012-2013 đến 2016-2017.

Chia sẻ với chúng tôi niềm vui này, cô Dung cảm động nói: "Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao bằng cả tinh thần trách nhiệm và cái tâm của mình chứ không vì mục đích chạy theo thành tích để được khen thưởng".

Người thầy không bục giảng

Mấy ngày nay, về thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) hỏi chuyện thầy trò Nguyễn Tiến Hải - Nguyễn Hữu Huy ai cũng biết. Bởi cháu Huy là một học sinh nghèo, mồ côi nhưng có thành tích học tập xuất sắc, còn anh Hải là một người lính, công tác tại Đồn Biên phòng Đức Minh. Họ vừa vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng bằng khen.

Anh Nguyễn Tiến Hải đến thăm, kiểm tra việc học của cháu Nguyễn Hữu Huy. Ảnh: TỬ TRỰC

Gọi thầy giáo nhưng thực ra anh Hải chỉ là một người lính quân hàm xanh, ngoài công việc chính ở Đồn Biên phòng Đức Minh, anh và đơn vị còn nhận bảo trợ 2 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương là Nguyễn Hữu Huy, lớp 7 Trường THCS Nguyễn Trãi và Phạm Ngọc Ấn, lớp 4 Trường Tiểu học Đức Lợi.

Ông Phạm Minh Hoàng - 67 tuổi, ông ngoại cháu Huy - cho biết em mồ côi cha, mẹ đi làm xa, ông già yếu không lo cho cháu được chu đáo, may nhờ có sự giúp đỡ của những người lính biên phòng. "Nhờ Hải và đơn vị giúp đỡ nhiệt tình nên cháu có thể tiếp tục học hành, chứ không nó nghỉ từ lâu rồi" - ông Hoàng cảm động nói.

Anh Lê Quang Đạo, Chính trị viên Đồn biên phòng Đức Minh, cho biết đỡ đầu cho các học sinh khó khăn là truyền thống nhiều năm qua của đồn. "Nhiều em đã trưởng thành, lập gia đình vẫn thường xuyên liên lạc với anh em chúng tôi" - anh Đạo kể.

T.TRỰC

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-11

Bài và ảnh: ĐÌNH THI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khac-tinh-cua-hoc-sinh-ca-biet-20171122213538168.htm