Khắc sâu lời Bác năm xưa

Hai tháng sau khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên có vinh dự được Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ và các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào. Khái quát về cuộc kháng chiến của toàn dân tộc, Bác chỉ ra những nhân tố của ta để kháng chiến tuy cực khổ, khó khăn nhưng nhất định thắng lợi. Đó là thiên thời - địa lợi - nhân hòa đều lợi cho ta, hại cho địch.

Hơn 3 vạn đại biểu các tầng lớp Nhân dân, lực lượng vũ trang Thanh Hóa lắng nghe Bác Hồ nói chuyện trong lần Bác về thăm Thanh Hóa (tháng 12-1961). Ảnh: Tư Liệu

Lời Bác căn dặn Thanh Hóa cách đây 73 năm

Trong dòng chảy tư duy phát triển, kết hợp chặt chẽ kháng chiến với kiến quốc, suy nghĩ lớn của Bác là Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu để góp sức chung vào cuộc kháng chiến kiến quốc của toàn dân tộc. Bác không chỉ mong muốn mà còn cống hiến cho Thanh Hóa về việc kiến thiết.

Là một người giữ trọn tín tâm, luôn truyền cảm hứng niềm tin cho mỗi người Việt Nam và toàn dân tộc, Bác khẳng định Thanh Hóa muốn trở thành tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì những điều kiện về địa lợi, nhân hòa Thanh Hóa đều có đủ, đó là người đông, đất rộng, của nhiều. Thanh Hóa có tiếng là văn vật. Vấn đề còn lại là phải biết điều khiển, sắp đặt.

Là một nhà tổ chức, kiến thiết vĩ đại, Bác đề xuất hệ giải pháp với những cách làm khá cụ thể. Người đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống giặc dốt, xóa nạn mù chữ. Biết chữ liên quan và gắn chặt với học đạo đức công dân, phổ thông chính trị và học trung học. Thanh toán nạn mù chữ, biết đọc, biết viết là sự khởi đầu rất quan trọng, đặt nền móng cho sự nghiệp giải phóng, kháng chiến và phát triển về sau. Nhưng quan trọng hơn là học phải đi đôi với hành, muốn học đi đôi với hành thì phải sửa chương trình cho phù hợp.

Để Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu thì vấn đề chính trị đóng vai trò then chốt. Theo Hồ Chí Minh, chính trị là đoàn kết và thanh khiết từ nhỏ đến to; là yêu nước và kháng chiến. Trong chính trị, cái sức mạnh vô địch mà ta có thể thắng quân địch là sự đoàn kết. Đoàn kết gắn với thanh khiết. Trong chế độ Cộng hòa Dân chủ thì hạt nhân, lõi cốt của thanh khiết là Chính phủ và cán bộ phải là đày tớ của dân. Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể (Đảng) thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thực hiện được. Người chỉ ra năm đức tính của cán bộ cũng là năm mối quan hệ mà mỗi cán bộ cần phải xử lý. Đó là đối với mình, đối với đồng chí mình, đối với công việc, đối với Nhân dân, đối với Đoàn thể. Năm đức tính của cán bộ phải gắn với giá trị của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ, tức là một Chính phủ làm đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Phê phán cách làm việc ngày xưa để thăng quan, phát tài, Bác chỉ rõ dân chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Theo Bác, sức mạnh của dân là chủ, chứa đựng trong đó trí dân, quyền hành, trách nhiệm của dân trong việc phê bình, giúp đỡ, giám sát Chính phủ.

Một Thanh Hóa kiểu mẫu, cùng với văn hóa - giáo dục, chính trị - hành chính, thì tự lực cánh sinh trong làm kinh tế vô cùng quan trọng. Sự điều khiển, sắp đặt của Bác cụ thể như “cầm tay chỉ việc”. Người bày cho Ban Văn hóa cách làm không cần tốn tiền mà học được, như “gia đình học hiệu”, “tiểu giáo viên”, cả làng chung gạo nuôi một thầy giáo. Không có giấy thì viết vào cát, không có bút thì dùng que tre. Cần có một kế hoạch dẫn thủy nhập điền... Người nói muốn tăng gia sản xuất thì phải kết hợp kế hoạch và ý kiến một phần của Chính phủ với chủ yếu là đồng bào tự làm lấy, tự lực cánh sinh, tự cấp tự túc. Người chỉ rõ “đem hết tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Cách làm phải đa dạng, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, kết hợp khả năng từng người, từng gia đình và toàn dân. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bác là ai cũng làm được, từ đại điền chủ, đại thương gia đến một em bé chăn bò, đi học. “Cần” phải đi đôi với “kiệm”. Phải gắn kết lợi ích của cá nhân với gia đình, với đồng bào và toàn cuộc kháng chiến của dân tộc với hạt nhân là đoàn kết. Tất cả những việc đó phải thành kế hoạch thiết thực, phải làm được, thực hành được “Chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được”.

Kết luận của Bác là tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự. Kiểu mẫu từ một người đến một nhà, một làng, một huyện và cả tỉnh. Từ tín tâm phải đi đến và gắn với quyết tâm và đồng tâm và phải “xắn tay áo làm”. Thanh Hóa kiểu mẫu đi đến một nước kiểu mẫu, thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, thống nhất. Mục đích của Thanh Hóa kiểu mẫu là: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn/ Người đủ ăn thì khá giàu/ Người khá giàu thì giàu thêm/ Người nào cũng biết chữ/ Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”.

Học tập và làm theo lời Bác

Thanh Hóa là số ít trong các tỉnh, thành phố vinh dự được đón nhận Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo tinh thần của nghị quyết, Thanh Hóa phải phát triển thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, trở thành kiểu mẫu của cả nước.

Nhớ lời Bác năm xưa, vấn đề có tính quyết định là sự điều khiển, sắp đặt, tức là phải có kế hoạch và cách làm với tư tưởng chỉ đạo “chỉ tiêu 1, biện pháp 10, quyết tâm 20”, thể hiện tín tâm, quyết tâm và đồng tâm. Phải phát huy cao độ bài học quý báu của Thanh Hóa 73 năm trước mà bài học bao trùm, xuyên suốt là tận dụng triệt để địa lợi, nhân hòa. Thanh Hóa có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò, khả năng kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây, các vùng, miền, các cực tăng trưởng. Đó là tiềm năng, lợi thế không phải địa phương nào cũng có được để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch. Tuy nhiên, lợi thế chỉ có thể được phát huy và các nguồn đầu tư chỉ có thể được thu hút và sử dụng có hiệu quả khi hoạt động hành chính được cải cách; môi trường, chính sách đầu tư kinh doanh được cải thiện.

Thanh Hóa kiểu mẫu phải toàn diện tất cả các mặt, các lĩnh vực, đồng bộ cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đến năm 2045 Thanh Hóa phải trở thành một trong những trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, văn hóa và thể thao, y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước.

Muốn đạt được những điều đó, Thanh Hóa phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bằng phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Trên cơ sở phát huy nội lực để tạo nên “chất Thanh”, “giá trị Thanh”, Thanh Hóa phải biết liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là vùng Bắc Trung bộ và Hà Nội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác hữu nghị với các địa phương của nước bạn Lào.

Phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, chính quyền vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền. Xây đi đôi với chống, nói đi đôi với làm theo tinh thần “xắn tay áo làm”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh. Hạt nhân và lõi cốt của xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, đứng đầu theo lời Bác dặn “cán bộ là gốc của mọi công việc; vấn đề cán bộ quyết định mọi việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên “tu thân, chính tâm”, thật sự là đày tớ của Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân và Tổ quốc lên trên hết, trước hết; gương mẫu trong mọi công việc từ to đến nhỏ, hằng ngày, suốt đời; không dính líu gì với vòng danh lợi.

Khắc sâu lời Bác năm xưa, hôm nay chúng ta có niềm tin đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước, nhất định được.

B.Đ.P

PGS.TS. Bùi Đình Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/khac-sau-loi-bac-nam-xua/131533.htm