Khắc phục tồn tại, nâng chất lượng nguồn nhân lực nữ trong ngành Giáo dục

Sáng 23/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) năm 2020 và triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.

Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban VSTBPN ngành Giáo dục Ngô Thị Minh; Phó Trưởng Ban VSTBPN ngành GD, Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo một số trường ĐH và Sở GD&ĐT…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Năm 2020, Ban VSTBPN ngành GD đã có những bước đi, cách làm rõ nét, bám sát 9 nhóm nhiệm vụ, 5 nhóm giải pháp trong triển khai nhiệm vụ năm học của ngành, trong đó có nhiều điểm nhấn, hoạt động tiến bộ... Hội nghị tổng kết công tác vì VSTBPN năm 2020 và triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021 nhằm nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra những khó khăn, tồn tại để có giải pháp khắc phục và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Đại biểu trao đổi ý kiến tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban VSTBPN, Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp nêu rõ: Trong thời gian vừa qua, công tác của Ban VSTBPN ngành GD được lãnh đạo Bộ quan tâm, sâu sát chỉ đạo nhằm triển khai các chương trình hoạt động một cách đổi mới, thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí. Ban đã triển khai thành công 2 Hội nghị tập huấn về bình đẳng giới (BĐG) và VSTBPN. Cũng trong năm 2020, qua khảo sát, kiểm tra hoạt động VSTBPN tại các cơ sở và các trường cho thấy, các đơn vị đều có Ban VSTBPN với thành phần, cơ cấu theo đúng qui định. Các đơn vị đã chú trọng đến sự tiến bộ của phụ nữ, chú trọng đến BĐG, tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo theo xu hướng tăng lên….

Tuy nhiên, công tác VSTBPN còn một số tồn tại như: Nhiều đơn vị chưa thật sự chú trọng công tác của Ban; hoạt động còn mờ nhạt, lồng ghép, đôi khi bị đánh đồng với hoạt động công đoàn, nữ công. Nhiều đơn vị chưa nhận diện rõ ràng hoạt động của Ban VSTBPN…

Để nâng cao chất lượng hoạt động VSTBPN và BĐG ngành GD, năm 2021, Ban sẽ tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình liên quan tới công tác VSTBPN và BĐG; Đổi mới hình thức hoạt động VSTBPN phù hợp với điểu kiện cụ thể của địa phương và đơn vị; Tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch BĐG; Tổ chức 4 đoàn khảo sát và 4 đoàn kiểm tra hoạt động VSTBPN tại cơ sở (khảo sát 8 cơ sở, kiểm tra 8 đơn vị sự nghiệp công lập); Tổ chức 2 hội nghị tập huấn công tác VSTBPN; Đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác VSTBPN…

Tham luận tại Hội nghị, đại biểu đến từ các Sở GD&ĐT, Trường ĐH đã nêu rõ những thuận lợi, khó khăn trong công tác VSTBPN. Trong đó, nhấn mạnh vào các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: công tác VSTBPN hoạt động mang tính chất kiêm nhiệm; một bộ phận CBGV-NV và HS chưa nhận thức đúng đắn, chưa thực sự coi trọng hoạt động VSTBPN và BĐG; Tỷ lệ nữ cán bộ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo các đơn vị đã tăng lên nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế; Công tác quy hoạch, phát triển, tạo nguồn cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức…

Đại biểu đề xuất nhiều kiến nghị để nâng cao chất lượng hoạt động Ban VSTBPN.

Các đại biểu đề xuất, Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phổ quan tâm tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác nữ, cho những giảng viên làm công tác tuyên truyền VSTBPN; Đảm bảo các điều kiện về kinh phí để Ban VSTBPN các cấp hoạt động được thuận lợi; Có chế độ chính sách đối với người làm công tác VSTBPN kiêm nhiệm; Có sự đầu tư bài bản về nhân lực, vật lực, bố trí cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về BĐG và VSTBPN; Ngành GD cần lan tỏa, nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả về công tác VSTBPN và BĐG…

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Để hoạt động Ban VSTBPN ngành GD đi vào hiệu quả, thực chất, góp phần vào nâng cao vị thế của ngành GD-ĐT, trong thời gian tới, các đơn vị, cơ sở giáo dục cần tập trung cho công tác tổng kết 5 năm hoạt động bình đẳng giới (BĐG) để thấy được những kết quả mà ngành đã đạt được, đồng thời đưa ra được những phương hướng hoạt động mới hiệu quả hơn. Cùng với đó, cần tăng cường tập huấn, khảo sát, kiểm tra công tác VSTBPN và BĐG trong các đơn vị, trường học.

Ban VSTBPN chủ động tham mưu cho lãnh đạo đơn vị các kế hoạch, chương trình hoạt động để cơ sở nhìn nhận đúng tầm quan trọng của hoạt động Ban. Các địa phương, trường học cũng cần khởi động và triển khai kịp thời, thường xuyên công tác thi đua khen thưởng để ghi nhận đóng góp của cán bộ làm công tác VSTBPN, BĐG tiêu biểu. Đồng thời quan tâm đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về hoạt động của Ban, trên cơ sở lồng ghép nội dung tại các hội nghị, các đợt kiểm tra… một cách phù hợp.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhận định: Ngành GD đang quyết liệt đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, học tập, quản lý. Ban VSTBPN cần đổi mới hoạt động, phát huy vai trò của mình trước yêu cầu đổi mới này, làm sao để không đi sau trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào thực tiễn phát triển của ngành.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khac-phuc-ton-tai-nang-chat-luong-nguon-nhan-luc-nu-trong-nganh-giao-duc-ceIVmdbGg.html