Khắc phục tình trạng 'vô thời hạn' trong giám định tư pháp

Một trong những quy định đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực từ 1/1/2021 đó là quy định cụ thể thời hạn tối đa để giám định, nhờ đó hạn chế tình trạng chậm trễ, kéo dài trong công tác này.

Sau hơn 7 năm thi hành Luật Giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, Luật này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trước những yêu cầu mới của đời sống xã hội, của hoạt động tố tụng. Trong đó, Luật chưa quy định cụ thể về thời hạn tối đa để giám định, nên công tác giám định thường bị chậm trễ, kéo dài, không có điểm dừng.

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung, các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng cho thấy, do chưa có quy định cụ thể về thời hạn ra kết luận giám định, kết luận định giá tài sản dẫn đến việc giám định, định giá tài sản trong nhiều trường hợp mang tính hành chính, kéo dài. Chất lượng kết luận giám định trong một số vụ án chưa chặt chẽ, còn chung chung, không trả lời cụ thể câu hỏi của cơ quan trưng cầu giám định, khiến cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý vụ án, làm hạn chế kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do đó,cần bổ sung quy định về thời hạn tối đa thực hiện giám định để tránh tình trạng giám định chậm trễ, kéo dài hoặc có trường hợp Cơ quan trưng cầu ấn định thời gian quá ngắn, chưa phù hợp.

Trước yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp và đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2021.

Nhằm thể chế hóa chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về khắc phục tình trạng vô thời hạn trong hoạt động giám định của một số vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, quy định về thời hạn giám định đã được bổ sung vào trong Luật tại Điều 26a. Theo đó, thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định. Trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì thời gian bổ sung hồ sơ, tài liệu không được tính vào thời hạn giám định. Thời hạn giám định theo quy định của Luật này chỉ áp dụng đối với trường hợp không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và có thời hạn tối là 03 tháng, nếu có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

Căn cứ vào thời hạn giám định tối đa theo quy định nêu trên và tính chất chuyên môn đặc thù của lĩnh vực giám định, tới đây, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp quy định thời hạn giám định cho từng loại việc cụ thể (đến nay, lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã được Bộ Y tế và Bộ Công an ban hành quy trình giám định, trong đó đã các định rõ từng bước thực hiện giám định và thời hạn giám định cụ thể).

Thời hạn giám định có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định biết và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Về vấn đề này, ông Vũ Quốc Thắng, Phó Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho rằng, Điều 26a quy định về thời hạn giám định đã cơ bản khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong trưng cầu và thực hiện giám định trong các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế. Còn theo ý kiến từ đại diện Ngân hàng Nhà nước, liên quan tới nhiệm vụ giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng trong thời gian tới, sẽ bổ sung cụ thể thời hạn giám định cho từng nội dung thuộc phạm vi giám định tư pháp của ngân hàng nhà nước. Đặc biệt là thời hạn giám định tối đa 4 tháng đối với các vụ việc phức tạp, có nhiều nội dung yêu cầu giám định nhằm hạn chế kéo dài thời gian giám định, ảnh hưởng tới thời hạn tố tụng của các cơ quan tham gia tố tụng.

Bảo Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/khac-phuc-tinh-trang-vo-thoi-han-trong-giam-dinh-tu-phap-564946.html