Khắc phục tình trạng thanh tra chồng chéo

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) về tình trạng thanh tra chồng chéo, trùng lặp khiến doanh nghiệp, đơn vị hằng năm phải tiếp rất nhiều đoàn thanh tra.

Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Thanh tra Nhà nước hoạt động theo Luật Thanh tra, trong hệ thống có TTCP, thanh tra tỉnh, huyện, thanh tra các bộ, ngành và thanh tra chuyên ngành thuộc sở. Hoạt động kiểm toán được điều chỉnh bởi Luật Kiểm toán nhà nước. Việc chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán có thể xảy ra ở cả khu vực nhà nước cũng như khu vực ngoài nhà nước.

Thực tế nhiều năm qua, việc thanh tra chồng chéo, liên tục gây khó khăn cho doanh nghiệp đã từng bước được khắc phục nhưng vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị. Nguyên nhân chủ yếu là do các quy định của pháp luật về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra, nhất là TTCP và Kiểm toán nhà nước (KTNN) còn bất cập, chưa phân định một cách rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền thanh tra trong một số trường hợp; sự phân công giữa các bộ, ngành ở T.Ư và sự phân cấp, ủy quyền giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương chưa rõ ràng; sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra chưa chặt chẽ, thường xuyên...

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và khẩn trương khắc phục tình trạng này, mới đây lãnh đạo TTCP đã làm việc với các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP về kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán.

TTCP và KTNN đã ban hành quy chế phối hợp, trong đó quy định cụ thể về phối hợp trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra; phối hợp xử lý trùng lặp về đơn vị được kiểm toán, đối tượng thanh tra, việc sử dụng kết quả kiểm toán, thanh tra... Tuy nhiên, điểm hạn chế của quy chế này là mới chỉ dừng lại ở quy định về trách nhiệm của hai cơ quan trong việc phối hợp thống nhất phương án xử lý mà chưa đưa ra được nguyên tắc, phương thức xử lý cụ thể trong những trường hợp xảy ra chồng chéo, trùng lặp. Việc phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan có liên quan chưa quyết liệt.

Các cơ quan còn thiếu chủ động, chưa hiệu quả, nhất là trong xây dựng thực hiện kế hoạch thanh tra nhằm hạn chế chồng chéo, trùng lặp. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành về xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán chưa đầy đủ, chưa xử lý triệt để tình trạng chồng chéo và những vướng mắc trong thực tiễn, chưa xác định được trách nhiệm cụ thể của các cơ quan khi để xảy ra chồng chéo, trùng lặp... Vấn đề đặt ra là cần sớm sửa đổi Quy chế phối hợp giữa TTCP và KTNN.

Trước mắt, cần rà soát, nghiên cứu những điểm chưa phù hợp trong Thông tư số 01/2014/TT-TTCP quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra và Thông tư 05/2014/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

Về lâu dài, cần nghiên cứu, phối hợp tham mưu sửa đổi đồng thời luật Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra, trong đó chú trọng những quy định phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra và KTNN. Luật cũng cần quy định rõ: nếu có sự chồng chéo, trùng lặp thời gian, đối tượng thì trường hợp nào dừng lại, trường hợp nào được tiếp tục làm; nếu chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thì quy định rõ việc kế thừa, nội dung kế thừa, trách nhiệm của cơ quan ban hành kết luận và cơ quan kế thừa kết luận.

Hiện, TTCP đã có định hướng đối với toàn hệ thống thanh tra, kể cả thanh tra nhà nước và thanh tra tỉnh, đồng thời đẩy mạnh phối hợp KTNN trong chia sẻ thông tin và thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm toán.

SONG LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38248802-khac-phuc-tinh-trang-thanh-tra-chong-cheo.html