Khắc phục tình trạng rời rạc trong phát triển đô thị

Phát triển đô thị cần khắc phục tình trạng phát triển rời rạc, giảm áp lực giao thông, tìm sự phát triển hài hòa, cân đối.

Các chuyên gia trao đổi về quy hoạch phát triển đô thị. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Các chuyên gia trao đổi về quy hoạch phát triển đô thị. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Tại hội thảo: “Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở” do Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức ngày 6/1 tại Tp. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, phát triển hệ thống giao thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong phát triển đô thị nhằm thu hút nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh, thực hiện giãn dân, kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, quản lý khu vực hành lang xanh, thúc đẩy giá trị bất động sản gia tăng.

Đối với việc phát triển đô thị Tp. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Phạm Hoài Chung cho rằng, điều này không thể tách rời định hướng phát triển vùng Tp. Hồ Chí Minh đã được quy hoạch đồng bộ kết cấu hạ tầng, từ đường bộ, đường thủy, đường sắt quốc gia cho đến cảng hàng không, sân bay.

Tuy nhiên, hiện nay các tuyến chính kết nối với Tp. Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải, ùn tắc kéo dài, các tuyến đường vành đai chưa hoàn thiện khép kín, các tuyến đường sắt đô thị chậm tiến độ, giao thông kết nối cảng biển còn yếu và thiếu…

“Để phát huy hết lợi thế của vùng Tp. Hồ Chí Minh, đảm bảo kết nối các khu vực đô thị, phát triển kinh tế-xã hội của vùng xứng đáng với vị thế, vai trò đã được xác định, hạ tầng giao thông cần được tập trung ưu tiên đầu tư, giải quyết các điểm nghẽn kết nối, giảm áp lực hạ tầng, nâng cao môi trường sống, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị”, Tiến sĩ Phạm Hoài Chung chia sẻ thêm.

Theo ông Arnon Snapir, thành viên Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ AIA, trong quá trình phát triển các khu đô thị, thách thức lớn là không để mất đất nông nghiệp và phát triển dân cư hợp lý.

Với Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Tp. Hồ Chí Minh nói chung, phát triển đô thị cần khắc phục tình trạng phát triển rời rạc, giảm áp lực giao thông, tìm sự phát triển hài hòa, cân đối; trong đó, có việc đầu tư phát triển đô thị ngoại biên, phân định vai trò từng khu vực để cư dân dễ dàng tìm chọn địa điểm làm việc và sinh sống phù hợp, tránh tập trung quá đông vào một khu vực.

Thông tin về quy hoạch phát triển đô thị Tp. Hồ Chí Minh, Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung – Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành dịch vụ, trở thành đô thị thông minh, phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao trên nền tảng thành lập thành phố Thủ Đức.

Đồng thời, phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, xây dựng 4 huyện ngoại thành phát triển thành quận.

Vì thế, việc phát triển các khu đô thị cũng phải được cập nhật trong quy hoạch chung, có tính tích hợp, khơi thông nguồn lực hợp tác, tạo ra nguồn lực phát triển mới để đầu tư cơ sở hạ tầng và quỹ nhà ở.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Nam Long cho rằng, trong quá trình phát triển các khu đô thị, có việc hình thành các sản phẩm bất động sản, vấn đề nan giải là quỹ đất sạch.

Để giải quyết vấn đề này, cơ quan quản lý nhà nước cần xem việc tạo lập quỹ đất sạch là đảm bảo lợi ích quốc gia, cộng đồng và người dân để từ đó ban hành chính sách phù hợp, nhanh chóng giải phóng mặt bằng triển khai dự án.

Trao đổi thêm về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay vẫn còn xung đột giữa pháp luật về đất đai với luật chuyên ngành như đầu tư, đấu thầu, hợp tác công tư, quản lý tài sản công, khiến luật ra sau có thể phủ nhận luật trước.

Đối với việc tạo quỹ đất sạch, ngoài các chủ trương nhất quán và quy định của pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất xây dựng trung tâm phát triển quỹ đất ở các địa phương.

Thực hiện thành công vấn đề này cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà nước và sự đồng thuận của người dân.

“Chỉnh trang đô thị phải được tiến hành theo phương pháp “dồn điền đổi thửa” nhằm phát triển hạ tầng, tạo điều kiện kết nối giao thông. Đây là giải pháp có tính mấu chốt, đặc biệt đối với các đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh khi cơ sở hạ tầng đang trong tình trạng quá tải”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhìn nhận./.

Trần Xuân Tình/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khac-phuc-tinh-trang-roi-rac-trong-phat-trien-do-thi/183038.html