Khắc phục tình trạng hỗn loạn kiến trúc đô thị, biến dạng kiến trúc nông thôn

Thảo luận về dự án Luật Kiến trúc tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 21-5, nhiều vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc Luật này quy định về lập, phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam để khắc phục tình trạng 'hỗn loạn trong kiến trúc đô thị và biến dạng kiến trúc nông thôn'.

ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An), việc xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trình Thủ tướng là rất cần thiết, nhưng thuộc về trách nhiệm của Bộ ngành, tổ chức nào thì chưa rõ. Đối với một số công trình kiến trúc có giá trị đối với cộng đồng, dự luật cần làm rõ quyền của người sở hữu công trình kiến trúc có giá trị, để đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích chung - riêng.

ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) bày tỏ đồng tình: “Nhiều ý kiến đã chỉ rõ thực trạng hỗn loạn trong kiến trúc đô thị và biến dạng kiến trúc nông thôn. Rất mừng là Luật có nêu quy định xây dựng định hướng kiến trúc để khắc phục tình trạng này. Nhưng đọc xong dự thảo vẫn không rõ ai sẽ xây dựng lập định hướng này; trình tự lập, thủ tục phê duyệt ra sao”?

Trong khi đó, ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) tuy đồng tình với yêu cầu giữ gìn bản sắc kiến trúc nói riêng và bản sắc văn hóa nói chung, nhưng vẫn rất băn khoản: “Bản sắc kiến trúc của các dân tộc anh em là rất đa dạng, nếu một xã, bản có 2 dân tộc khác nhau thì các công trình chung thiết kế theo dân tộc nào mới là giữ gìn bản sắc”? Mặt khác, theo dự thảo, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy chế quản lý kiến trúc của địa phương mình; song để tránh tình trạng “mỗi địa phương quản lý kiến trúc một kiểu”, ĐB đề nghị đối với các đô thị loại 3 trở lên, định hướng phát triển kiến trúc cần có ý kiến thẩm định về chuyên môn của Bộ Xây dựng.

Bản sắc kiến trúc cũng là trăn trở của các ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) và một số ĐB khác. ĐB Nghiêm Vũ Khải cho rằng trách nhiệm xây dựng bản sắc kiến trúc, bản sắc văn hóa dân tộc được dự thảo giao cho UBND cấp tỉnh quy định là quá sức vì rất phức tạp.

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đánh giá cao việc dự luật có quy định việc nhà nước khuyến khích trợ giúp, tư vấn miễn phí về kiến trúc, nhưng cho rằng nếu không cụ thể hóa hơn thì “không thể làm được, vì việc tư vấn về kiến trúc có thể tạo ra những hệ quả pháp lý, lúc đó ai chịu trách nhiệm”, bà nói.

Đề nghị ban soạn thảo quan tâm để dự thảo Luật có mối quan hệ hữu cơ với Luật Quy hoạch, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh mong muốn Luật Kiến trúc cùng các đọa luật có liên quan tạo bước ngoặt quan trọng chấm dứt kỷ nguyên “nhà ống, nhà quan tài, nhà siêu méo, siêu mỏng” đang hoành hành ở các đô thị.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khac-phuc-tinh-trang-hon-loan-kien-truc-do-thi-bien-dang-kien-truc-nong-thon-594387.html