Khắc phục tình trạng hở mi mắt

Mi mắt đóng vai trò rất quan trọng đối với tính thẩm mỹ và hoạt động chức năng của đôi mắt. Hở mi mắt là tình trạng mắt không được bảo vệ hoàn toàn bởi hoạt động nhắm, mở của mi mắt. Nguy cơ hở mi mắt nếu không được phát hiện và điều trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực của người bệnh.

Nguyên nhân hở mi mắt

Các trường hợp hở mi mắt có nhiều nguyên nhân khác nhau như: liệt dây thần kinh vận động nhắm mở mắt, cơ mặt bị tổn thương, hoặc do ảnh hưởng chấn thương sọ não...; Các nguyên nhân khác có thể là do một số bệnh về mắt như lồi mắt, tổn thương vùng mắt, hay thậm chí là có khối u…; Rối loạn giấc ngủ, teo hay liệt vận động cơ mặt cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hở mi mắt; Một vài trường hợp khác được cho là có nguyên nhân di truyền khi trong nhà có nhiều người cùng bị. Và tùy vào các trường hợp mà biểu hiện bệnh có thể là hiện tượng mở mắt to hay nhỏ khi ngủ; Nguyên nhân hay gặp là sau phẫu thuật thẩm mỹ, cắt da thừa, lấy mỡ mắt… thường hay gặp ở mi dưới.

Hở mi mắt khiến bệnh nhân không nhắm được kín mắt.

Hở mi mắt khiến bệnh nhân không nhắm được kín mắt.

Làm sao để phát hiện?

Người bị hở mi mắt có dấu hiệu không nhắm mắt được kín khi đã chủ động nhắm mắt hoặc vô thức khi đang ngủ. Đánh giá khả năng nhắm kín mắt khi được yêu cầu nhắm là nghiệm pháp bắt buộc khi khám chức năng của dây thần kinh số VII (dây thần kinh mặt). Khi đó bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ mắt sẽ yêu cầu bệnh nhân nhắm 2 mắt như đi ngủ hoặc nhắm chặt mắt chủ động.

Ở đời thường, một số người có thể phát hiện ra bất thường này mà không phải là bác sĩ. Họ chính là vợ chồng, người thân của bệnh nhân. Quan sát thân nhân của mình đang ngủ, họ thấy đã trong tình trạng ngủ say mà mắt vẫn mở hoặc khép hờ, không kín được như mắt bên kia.

Biến chứng hở mi mắt

Vì là bệnh lý nên trạng thái này về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mắt. Cấu tạo đặc biệt của mắt là cần phải được cung cấp nước liên tục nhờ hoạt động chớp mắt. Cụ thể, khi mắt nhắm hoặc chớp sẽ giúp cung cấp nước cho mắt, nước sẽ được bôi đều trên giác mạc, kết mạc phía trước nhãn cầu, giúp cho đôi mắt sẽ không bị mỏi, khô.

Khi bị hở mi mắt - nghĩa là không có hiện tượng chớp - cũng có thể diễn ra tình trạng mắt lâu dần bị khô, mờ đục hoặc loét giác mạc. Điều đó đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến thị lực.

Cũng đã có không ít trường hợp không nhắm mắt khi ngủ nên bụi bẩn đã rơi vào khiến mắt bị đau, nhiễm trùng mắt, viêm kết mạc, giác mạc…

Một trong các nguyên nhân của hiện tượng ngủ mở mắt là do tê, liệt dây thần kinh số 3, là dây thân kinh mặt điều khiển hoạt động chớp, nhắm mở của mí mắt.

Khi có triệu chứng bệnh cần đi khám để phát hiện và điều trị sớm.

Chữa trị hở mi mắt

Để điều trị hở mi, bệnh nhân cần đến các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa mắt. Chi phí chữa bệnh tùy theo mức độ nặng nhẹ của hở mi.

Bệnh này có thể điều trị khỏi bằng phương pháp châm cứu, kích thích vào các huyệt vị của dây thần kinh này, giúp nó hoạt động bình thường trở lại.

Trong khi chưa được điều trị bằng phẫu thuật, nên đeo kính để hạn chế các kích thích tại mắt. Thường xuyên tra mắt bằng các dung dịch nước muối sinh lý (natriclorua 9%o) hoặc nước mắt nhân tạo. Khi ngủ có thể dùng các mỡ kháng sinh hoặc các gel nhỏ mắt như liposic, corneregel giữ ẩm phần mắt bị hở.

Đối với tình trạng mi mắt bị hở thì biện pháp khắc phục đem lại hiệu quả cao là phẫu thuật. Tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Vì vậy nên lựa chọn các địa chỉ uy tín để hạn chế rủi ro. Sau khi phẫu thuật bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ chăm sóc thích hợp. Nên thực hiện vệ sinh mắt sạch sẽ và bảo vệ mắt chu đáo để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng.

Một số biện pháp tình thế, tạm thời được chuyên khoa mắt áp dụng đó là: Băng che hoặc dùng khiên chắn mắt (eye shield) vào ban đêm giúp mắt được che kín, tránh khô mắt và viêm loét do hở mi; Tra gel hoặc mỡ nước mắt nhân tạo, kháng sinh tạo một lớp bảo vệ trên bề mặt nhãn cầu, làm ẩm mắt và chống bay hơi nước mắt. Phẫu thuật khâu cò mi một phần hoặc toàn bộ cũng là một thủ thuật hay làm giúp mi nhắm kín, bảo vệ được nhãn cầu nhưng không phải là biện pháp điều trị lâu dài và triệt để.

BS. Minh Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khac-phuc-tinh-trang-ho-mi-mat-n184062.html