Khắc phục tình trạng chồng chéo, bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật

Sáng 17-9, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) xem xét, cho ý kiến về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong nhiệm kỳ QH khóa XIV.

Sáng 17-9, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) xem xét, cho ý kiến về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong nhiệm kỳ QH khóa XIV.

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát VBQPPL thuộc lĩnh vực Nhà nước quản lý: Tổng số văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tiến hành rà soát gồm 8.779 VBQPPL được ban hành đến hết ngày 30-6-2020. Qua rà soát, 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh đã phát hiện nhiều nội dung quy định trong các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, hoặc bất cập, không còn phù hợp thực tiễn.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Qua rà soát cũng cho thấy, hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất.

Thẩm tra về các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của QH cho biết: tính đến tháng 8-2020, vẫn còn 18 dự án luật trong danh mục chưa có kế hoạch triển khai xây dựng cụ thể, trong đó có 16 dự án luật được phân công cho Chính phủ chủ trì. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn kéo dài trong nhiều năm.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc những văn bản dưới luật còn chậm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình và nhiều ý kiến khác cho rằng: Do sự giao thoa, chồng chéo giữa các luật, nên cần có sự giải quyết kỹ lưỡng. Việc triển khai một vấn đề đưa ra trong luật cần phải thay đổi tư duy, cũng như đổi mới về phương pháp thực hiện. Bên cạnh đó, tính chủ động trong quyền hạn của cơ quan hành pháp và tính chủ động phối hợp với cơ quan lập pháp để giải quyết vấn đề chồng chéo giữa các luật chưa kịp thời.

Ðề cập vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, để khắc phục tình trạng nêu trên, đề nghị các cơ quan của Chính phủ phải chuyên tâm hơn nữa đến công tác xây dựng luật và pháp lệnh ở các cấp độ khác nhau. Cơ quan trình dự án luật phải báo cáo các cơ quan thẩm tra, sau đó trình lên Ủy ban TVQH xem xét. Trình tự thực hiện dự án luật, ban hành luật phải đúng theo hướng dẫn, tránh việc ban hành VBQPPL kéo dài, gây tốn kém lãng phí.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban TVQH xem xét các báo cáo của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước về kết quả rà soát các VBQPPL.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị, Chính phủ, Ủy ban Pháp luật tiếp tục rà soát, đánh giá lại những dự án luật vì sao chưa ban hành được. Yêu cầu các cơ quan của Chính phủ, các Ủy ban thẩm tra của QH xem xét lại các báo cáo, hoàn thiện để trình đại biểu QH đóng góp ý kiến trong kỳ họp thứ 10 tới.

Trong phiên làm việc chiều qua, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, Ủy ban TVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10 của QH. Theo đó, Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV, sẽ xem xét thông qua một số dự án luật như: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Cư trú và một nghị quyết của QH về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; cho ý kiến đối với một số dự án luật: Luật Giao thông đường bộ, Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). QH cũng dành thời gian là 9,5 ngày để xem xét, quyết định các nội dung: kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; bãi nhiệm tư cách đại biểu QH; ngày bầu cử đại biểu QH khóa XV. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng và bốn dự án luật trình cho ý kiến. Nghe báo cáo về hoạt động đối ngoại của QH trong năm Chủ tịch AIPA. Trong đó, có các nội dung: báo cáo kết quả giải trình về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và thực trạng, giải pháp phát triển điện lực.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết: Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp QH thứ 10 sẽ diễn ra trong 19,5 ngày, trong đó, có dự phòng một ngày về miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn nhân sự của QH. Tại kỳ họp thứ 9, QH đã tiến hành họp theo phương thức mới là trực tuyến và tập trung. Do vậy, kỳ họp thứ 10, QH tiếp tục phát huy hiệu quả của kỳ họp thứ 9. Theo đó, đợt 1 họp trực tuyến tám ngày và đợt 2 họp tập trung tại nhà QH 11,5 ngày. Khai mạc kỳ họp QH thứ 10 vào ngày 20-10, bế mạc ngày 17-11, tạo điều kiện cho việc tổ chức Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11). Tại phiên khai mạc sẽ mời khách quốc tế và các đồng chí nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước dự.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/khac-phuc-tinh-trang-chong-cheo-bat-cap-trong-van-ban-quy-pham-phap-luat-617176/