Khắc phục sự phân tán, thiếu tập trung trong quản lý nợ công

Chiều 3-11, Quốc hội dành trọn phiên làm việc để thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Vấn đề giữ nguyên 3 cơ quan hay thu về 1 đầu mối đàm phán, ký kết các khoản vay quốc tế thu hút sự tranh luận sôi nổi của các đại biểu.

Các đại biểu yêu cầu làm rõ trách nhiệm tổng thể của nợ công, bao gồm nợ trong nước và ngoài nước

Thống nhất với phạm vi nợ công song ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc quy định của khoản nợ không thuộc phạm vi điều chỉnh như trong dự thảo luật là không cần thiết, bởi lẽ còn nhiều khoản nợ khác như nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng… cũng không thuộc phạm vi nợ công. “Vì vậy, nếu chúng ta quy định như vậy vừa thừa lại vừa không đầy đủ. Theo tôi chỉ cần quy định nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương là đủ”, ĐB Nguyễn Tạo nói.

Liên quan đến đầu mối đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thì cần thống nhất về một đầu mối trong khi theo đề nghị của Chính phủ thì nên giữ nguyên như quy định hiện hành là 3 cơ quan (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT) cùng thực hiện. Đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, thu hút sự tranh luận sôi nổi của các đại biểu.

Bày tỏ đồng tình với đề nghị của UBTVQH, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phân tích: “Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua đã quán triệt quan điểm tinh gọn bộ máy theo hướng một việc chỉ có một cơ quan đảm nhiệm. Về thực tiễn, một trong những mục tiêu cơ bản khi sửa đổi Luật Quản lý nợ công là phải khắc phục những bất cập trong công tác quản lý hiện nay mà theo tôi là đang bị phân tán, thiếu tập trung”.

ĐB Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) đề nghị cân nhắc việc thay đổi đầu mối đàm phán vay quốc tế, vì có thể mâu thuẫn với một số quy định luật khác. Cụ thể, Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã quy định NHNN là cơ quan đại diện và là cơ quan chủ trì đàm phán khoản vay với các tổ chức tài chính đa phương; hay Luật Đầu tư công quy định Bộ KH-ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất Nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…

Giơ biển tranh luận ý kiến trên, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc luật ban hành sau khác với luật ban hành trước là bình thường. “Vấn đề đặt ra, chúng ta có sửa đổi 2 quy định đó không? Tôi nghĩ rằng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, khi sửa đổi Luật Đầu tư công và Luật NHNN Việt Nam, chúng ta sẽ có quy định điều chỉnh phù hợp. Còn tại thời điểm hiện nay, về nguyên tắc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta có quyền quy định các vấn đề khác so với đạo luật đã được ban hành”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Đồng tình việc giao Bộ Tài chính là đầu mối về quản lý nợ công nhưng ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) đề nghị quan tâm làm rõ trách nhiệm tổng thể của nợ công, bao gồm nợ trong nước và nước ngoài, và tiến độ trả nợ không phân thành mảnh ghép như hiện nay.

Cho rằng việc quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ như dự thảo luật là còn rất chung chung, dễ gây chồng chéo trong việc phân công nhiệm vụ, ĐB Nguyễn Tạo kiến nghị ban soạn thảo cần xem xét quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng bộ, đơn vị liên quan. Đồng quan điểm này, ĐB Hứa Thị Hà nhấn mạnh: “Việc này dẫn đến tình trạng luật chậm đi vào cuộc sống vì luật chờ Nghị định, Nghị định lại chờ Thông tư”.

Thuần Thư

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/khac-phuc-su-phan-tan-thieu-tap-trung-trong-quan-ly-no-cong/746885.antd