Khắc phục ô nhiễm môi trường

Việc triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn TP. Hà Nội đang tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mở rộng sản xuất, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, mang lại giá trị kinh tế cao cho lao động nông thôn.

 Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp góp phần phát triển công nghiệp nông thôn

Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp góp phần phát triển công nghiệp nông thôn

Tháng 10 vừa qua, Hà Nội quyết định thành lập CCN làng nghề Ngọc Mỹ - Thạch Thán (xã Ngọc Mỹ và xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai) với quy mô khoảng 21ha, tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. CCN tập trung thu hút doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ, sản xuất cơ khí, dệt may...; các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với Quy hoạch phát triển CCN TP. Hà Nội đến năm 2020, có xét đến 2030.

Trước đó, từ đầu năm 2019, Hà Nội đã ban hành các quyết định về việc thành lập 3 CCN làng nghề: Chàng Sơn - giai đoạn 2, Dị Nậu (huyện Thạch Thất), Cầu Bầu - giai đoạn 2 (huyện Ứng Hòa), tổng vốn đầu tư trên 754 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các CCN này được thực hiện từ quý III/2019 - quý I/2021; ngành nghề hoạt động chủ yếu sản xuất đồ gỗ, nội thất gia dụng, chế biến lâm sản...

Các CCN được xây dựng cảnh quan đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và môi trường theo quy định; ưu tiên phát triển mô hình CCN theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, phục vụ di dời, mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương. Điều này cho thấy, tính khả thi trong việc TP. Hà Nội quyết tâm cán đích thành lập 159 CCN đến năm 2030 theo hướng công nghệ sạch, bền vững.

Thời gian qua, làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng vẫn gặp một số khó khăn trong quá trình phát triển như: Mặt bằng chật hẹp chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, xưởng sản xuất chủ yếu xây dựng tại hộ gia đình khó đầu tư đổi mới công nghệ, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất… Việc triển khai các khu, CCN đã giải quyết các vấn đề tồn tại của làng nghề, góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống cho người dân.

Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN, nhằm hoàn thiện thể chế, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động liên quan đến CCN. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trao đổi, quản lý nhà nước về CCN; tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với phát triển CCN tại các địa phương từ khâu quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng đến hoạt động của các CCN.

Về phía các địa phương, cần chủ động bố trí nguồn lực, chú trọng hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề trong việc áp dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời đào tạo nguồn nhân lực; tiếp cận vốn tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng đối với làng nghề, CCN làng nghề; xây dựng chính sách phù hợp đối với các nghệ nhân, thợ giỏi để hỗ trợ, thúc đẩy làng nghề, CCN làng nghề phát triển bền vững.

Tại các địa phương có nghề, đời sống kinh tế - xã hội nói chung và của các hộ gia đình làm nghề cao hơn nhiều so với những hộ thuần nông khác. Phát triển các khu, CCN cũng tạo tiền đề cho phát triển đô thị, dịch vụ của TP. Hà Nội.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khac-phuc-o-nhiem-moi-truong-129773.html