Khắc phục những tồn tại trong quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch

Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5243/VPCP-NN ngày 14/6/2019 của Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan và địa phương dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Thực trạng trong quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch

Tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) cấp nước sạch là một hệ thống bao gồm các công trình khai thác, xử lý nước, mạng lưới đường ống sử dụng nguồn nước mặt và nước ngầm để cung cấp nước đến khách hàng sử dụng nước và các công trình phụ trợ có liên quan tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn và các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, đối với công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung các đối tượng được giao quản lý công trình chủ yếu thực hiện theo phương thức tự khai thác (cấp nước, thu tiền nước); việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình do đơn vị tự thực hiện. Vì vậy, nhóm công trình được giao cho UBND cấp xã và cộng đồng chủ yếu áp dụng phương thức sửa chữa nhỏ do không có cán bộ chuyên môn theo dõi mà chỉ mang tính chất trông giữ công trình, không có kinh phí sửa chữa nên xuống cấp, hư hỏng nhanh; nhóm công trình được giao cho Trung tâm nước và doanh nghiệp (DN) hoạt động bền vững, hiệu quả hơn do có cán bộ có năng lực chuyên môn, chủ động trong việc bố trí kinh phí sửa chữa. Việc xử lý tài sản mới chỉ áp dụng theo hình thức thanh lý, nhưng số lượng công trình thực hiện thanh lý không nhiều do chưa đảm bảo về hồ sơ công trình, thủ tục theo quy định.

Đối với TSKCHT cấp nước sạch đô thị, theo số liệu chưa đầy đủ từ Bộ Xây dựng thì tính đến tháng 4/2019 cả nước có hơn 500 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất các nhà máy nước khoảng 9,2 triệu m3/ngày đêm. Trong tổng số hơn 200 DN cấp nước đô thị, DN là công ty cổ phần chiếm đại đa số, còn lại là Công ty TNHH MTV. Việc quản lý, sử dụng công trình được các DN thực hiện khá tốt, công trình được trích khấu hao, bảo trì, sửa chữa đúng quy định.

Những tồn tại hạn chế

Hiện nay, công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung chưa có quy định cụ thể về tiêu chí giao công trình gắn với điều kiện kinh tế xã hội và đặc điểm vùng miền nên thường có tình trạng lựa chọn các công trình tốt, tập trung tại các khu đô thị, hoạt động hiệu quả để giao cho DN, các công trình không tốt và kém hiệu quả giao cho UBND cấp xã và Trung tâm nước sạch là chưa đảm bảo khách quan, minh bạch.

Việc xác định giá trị công trình để giao theo nguyên tắc giá trị còn lại của nguyên giá ban đầu (theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC), không đánh giá lại giá trị thực tế nên giá trị công trình giao thường cao hơn giá trị thực tế sử dụng của công trình, cộng với việc chi phí đầu tư cho nhà máy cấp nước nên tổng giá trị công trình lớn, trong khi thu hồi được nguồn vốn để có lãi, duy trì công trình hoạt động bền vững mất nhiều năm; vì vậy việc giao công trình cho DN được đánh giá là hiệu quả, nhưng còn hạn chế tại nhiều địa phương.

Cơ chế cấp bù giá nước sạch, ngân sách nhà nước cấp bù trong trường hợp giá thành nước sạch cao hơn giá bán nước do UBND cấp tỉnh quy định đã được quy định rõ; tuy nhiên, việc này phụ thuộc nhiều vào khả năng ngân sách của các địa phương và thực tế hầu như không thực hiện việc cấp bù theo quy định; do đó, ảnh hưởng đến việc bố trí kinh phí bảo trì, duy tu công trình của các đối tượng được giao quản lý.

Trong khi đó, công trình cấp nước sạch đô thị cũng chưa có cơ chế rõ ràng trong việc giao tài sản cho DN quản lý sau đầu tư nên việc xác định giá trị tài sản nhà nước, vốn nhà nước trong DN thực hiện chưa tốt, nhiều trường hợp DN vẫn vận hành nhưng việc quản lý lại được tạm giao cho cơ quan quản lý nhà nước (phòng xây dựng/hạ tầng thuộc UBND cấp huyện) dẫn đến việc bảo toàn và phát huy giá trị vốn Nhà nước trong DN chưa được thực hiện.

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch

Để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan và địa phương dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHT cấp nước sạch với một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, quy định về hình thức giao TSKCHT cấp nước sạch nông thôn tập trung theo hướng giao tài sản cho UBND cấp xã hoặc đơn vị sự nghiệp công lập theo hình thức ghi tăng tài sản: Đơn vị được giao tài sản thực hiện trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác tài sản đảm bảo mục tiêu cung cấp nước sạch bền vững cho nhân dân nông thôn.

Giao tài sản cho DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo hình thức tăng vốn Nhà nước. DN được giao tài sản được quyền chủ động sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật DN, pháp luật về sản xuất và kinh doanh nước sạch và pháp luật có liên quan.

Quy định này một mặt khuyến khích thúc đẩy phát triển hệ thống TSKCHT cấp nước sạch nông thôn tập trung, từng bước thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí (chi phí sản xuất, chi phí khấu hao tài sản…); Nhà nước kiểm soát thông qua biện pháp phê duyệt giá nước tiêu thụ như hiện nay; mặt khác góp phần duy trì tính bền vững của hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch.

Giao tài sản cho cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh (Sở NN&PTNT) để lập phương án quản lý, khai thác tài sản gồm: cho thuê quyền khai thác; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác; bán tài sản.

Thứ hai, đối với quản lý TSKCHT cấp nước sạch đô thị, căn cứ quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; từ thực tế việc quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHT cấp nước sạch đô thị đã được giao cho Công ty TNHH MTV, Công ty cổ phần quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật DN, tại Điều 27 dự thảo quy định các hình thức giao TSKCHT cấp nước sạch đô thị gồm:

Giao tài sản cho DN do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo hình thức tăng vốn Nhà nước.

Giao tài sản cho cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch đô thị thuộc UBND cấp tỉnh cấp tỉnh (Sở Xây dựng) để lập phương án quản lý, khai thác (i) cho thuê quyền khai thác; (ii) chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác TSKCHT; (iii) bán tài sản) trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Trong đó, quy định việc quản lý, sử dụng TSKCHT cấp nước sạch đô thị của cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch đô thị thuộc UBND cấp tỉnh đối với việc khai thác (i) và (ii) được thực hiện theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về sản xuất, kinh doanh nước sạch và pháp luật có liên quan.

Theo đó, cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch đô thị thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện vai trò (i) cơ quan được giao quản lý thực hiện hạch toán, kế toán; xử lý tài sản trong quá trình thực hiện cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác; (ii) thực hiện vai trò cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về cấp nước sạch đô thị.

Bùi Dương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/khac-phuc-nhung-ton-tai-trong-quan-ly-su-dung-va-khai-thac-cong-trinh-cap-nuoc-sach-328763.html