Khắc phục những tồn tại để phát triển

Sáng qua (2/12), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11

Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11

Kinh tế đang đi đúng quỹ đạo

Khái quát tình hình tháng 11 và 11 tháng năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh xu hướng tăng chậm lại của kinh tế thế giới, nhất là khu vực châu Á ngày càng rõ nét nhưng tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến tích cực. Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2019 vẫn chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Thủ tướng hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã có động thái tiếp tục hạ lãi xuất tiền gửi và lãi xuất cho vay; trong đó giảm 0,5% đối với lãi xuất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 6,5% xuống 6% với nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ; qua đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến lĩnh vực du lịch với tỷ lệ thu hút khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh, lần đầu tiên đạt 1,8 triệu khách trong tháng 11, là tháng tăng cao nhất về chỉ số này. 11 tháng đạt gần 16,2 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Thủ tướng cho biết, năm 2018, người Hàn Quốc chọn Osaka là thành phố đáng sống, đáng đến thì năm 2019, người Hàn Quốc chọn Hội An và Đà Nẵng. “Nhiều địa phương mà làm tốt sẽ tạo làn sóng khách quốc tế mới đến Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Cùng với đó là thị trường thương mại sôi động, phát triển ổn định, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng khá. Xuất siêu 9,1 tỷ đô la Mỹ, là sự khẳng định kết quả 4 năm liên tiếp xuất siêu. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ công bố việc cán đích 500 tỷ USD trong năm 2019. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển khá; vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD. Cả nước có 126,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Biểu dương các đội bóng đá nam và nữ tại SEA Games 30

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng đã bày tỏ vui mừng trước kết quả thi đấu rất đáng khích lệ của các đội tuyển bóng đá U22 nam và bóng đá nữ Việt Nam tại vòng loại vòng 2 Word Cup 2022; đặc biệt là SEA Games 30. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết, điều kiện thi đấu, ăn ở của đội tuyển bóng đá nữ còn thiếu thốn, khó khăn, cần tăng cường xã hội hóa, hỗ trợ đội tuyển để đạt thành tích cao hơn trong thi đấu.

Thủ tướng phấn khởi trước thành tích của đội tuyển bóng đá nam quốc gia và U22 Việt Nam đã đạt thành tích thi đấu cao với tinh thần thi đấu tuyệt vời, nhất là trận thắng 2-1 trước U22 Indonesia. Với những gì đã diễn ra, Thủ tướng hoan nghênh, biểu dương và tin tưởng các cầu thủ đội bóng đá nam và nữ Việt Nam sẽ nỗ lực thi đấu, đạt thành tích cao hơn nữa, không phụ lòng tin của nhân dân và người hâm mộ cả nước.

Phải khắc phục những tồn tại, yếu kém

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng phân tích sâu một số tồn tại cần giải quyết ngay từ nay đến cuối năm. Thủ tướng đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát việc phòng chống, xử lý dịch bệnh, phấn đấu duy trì vị trí một trong những nước dẫn đầu xuất khẩu nông sản trong khối ASEAN. Sản xuất công nghiệp chậm lại ở một số lĩnh vực như sản xuất xe máy, ô tô, phân bón…

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là khâu yếu, chưa có nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy hơn nữa vốn FDI đăng ký mới. Còn phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự mà các cấp, các ngành cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới như: Văn bằng, chứng chỉ giả, sốt xuất huyết gia tăng, tội phạm có yếu tố nước ngoài, an toàn giao thông, cháy nổ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các thành viên Chính phủ có những đóng góp về các giải pháp mới, sáng kiến mới, những mục tiêu cần đặt ra về kinh tế xã hội, quản lý điều hành để xây dựng dự thảo Nghị quyết 01 năm 2020 có chất lượng, hiệu quả hơn trong năm cuối của nhiệm kỳ. “Chúng ta cần xây dựng khát vọng vươn lên; đổi mới tư duy thoát khỏi thói quen cũ ỷ lại, trông chờ, tạo đột biến rõ nét để tiếp tục đổi mới sáng tạo; cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện những giải pháp mạnh trong cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Cung khan, giá lợn tăng cao

Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ, chiều (2/12) tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, giá thịt lợn tăng rất cao, do nguồn cung thiếu hụt. Việt Nam thiếu hụt khoảng 340.000 tấn, buôn lậu thịt lợn diễn biến phức tạp do dịch tả lợn châu Phi (đã tiêu hủy 5,9 triệu con), xuất hiện trục lợi trong hỗ trợ tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi.

Minh chứng về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, để đối phó dịch tả lợn châu Phi, tất cả các bộ, ngành đã vào cuộc và phần nào hạn chế được thiệt hại. Đến nay, đã có những địa phương tuyên bố hết dịch. Đây là điều kiện rất tốt để tái đàn, cung cấp thịt lợn cho thị trường. Bộ Nông nghiệp đã có 6 hội nghị về tái đàn nhằm nâng cao sức đề kháng của đàn lợn hay việc sử dụng chế phẩm sinh học... đồng thời xây dựng hơn 700 vùng an toàn chống dịch.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện, số lượng lợn trên cả nước còn khoảng 25 triệu con. Cơ sở giữ giống, phát triển tái đàn có thể yên tâm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã họp với các địa phương và các địa phương cam kết bán thịt lợn giá 66.000-70.000/kg. Tổng cục Thống kê dự báo tình trạng thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn.

Trả lời về đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường và bình ổn giá, nhất là trong khi Tết Nguyên đán sắp tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải nói, nguồn cung trong nước giảm đã khiến giá thịt lợn tăng cao. Do vậy, nếu không cẩn trọng, sau Tết đây vẫn là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà ảnh hưởng tới cả CPI và phát triển kinh tế, thương mại.

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Thắng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo cân đối cung cầu để tính toán lượng nhập khẩu thịt lợn. Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… để nắm bắt tình hình cung cầu về thịt lợn. Một số địa phương đã có chương trình bình ổn, kết nối cung cầu, trong đó thịt lợn là mặt hàng được ưu tiên đầu tiên. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục quản lý thị trường phối hợp với các tỉnh có biên giới quản lý việc đưa lợn qua biên giới, vì lợn đã thiếu nếu đưa qua biên giới sẽ càng thiếu, ảnh hưởng đến giá cả thị trường trong nước.

L. T. Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khac-phuc-nhung-ton-tai-de-phat-trien-100456.html