Khắc phục những bất cập trong quản lý giống cây ăn quả

Từ năm 2013 đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta liên tiếp tạo những bất ngờ khi trở thành sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, trong đó, sản lượng và giá trị xuất khẩu các loại quả giữ vai trò 'chủ công'. Tuy nhiên, việc nhân rộng diện tích cây ăn quả vẫn tồn tại nhiều bất cập, nhất là nguồn cây giống an toàn sạch bệnh.

Đoàn liên ngành kiểm tra vườn ươm giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: LÊ NAM

Với lợi thế của miền nhiệt đới, rau quả ở nước ta có thể xem là một thế mạnh của ngành trồng trọt. 5 năm gần đây, ngành hàng này để lại nhiều ấn tượng về tăng trưởng năng suất, cũng như sản lượng và giá trị xuất khẩu. Nếu trước năm 2013, rau quả chưa lọt được vào nhóm những ngành có giá trị xuất khẩu một tỷ USD thì đến năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,45 tỷ USD, năm 2017 đạt gần ba tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các loại quả chiếm từ 60% đến 70% tổng giá trị. Nước ta hiện có 29 loại quả được xuất khẩu, chủ yếu là thanh long, chuối, dứa, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, măng cụt, sầu riêng, các loại quả có múi…

Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao có rất nhiều nguồn gien quý nhưng việc phát triển cây ăn quả và khâu nhân giống ở nước ta, còn bộc lộ nhiều yếu kém cả về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu cũng như sản xuất. Hiện ngành trồng trọt có hai hệ thống cung ứng giống chính, đó là hệ thống sản xuất giống của Nhà nước và của một số công ty kinh doanh cây giống đạt tiêu chuẩn nhưng số lượng ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường: Thí dụ một số công ty hoặc trung tâm trực thuộc các viện nghiên cứu chuyên ngành, như hệ thống các trung tâm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm; Viện Cây ăn quả miền nam, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, hay một số trung tâm VAC của Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA) và các tỉnh.

Hai là hệ thống sản xuất giống trong các hộ nông dân, chiếm số lượng lớn nhưng chất lượng không bảo đảm. Cụ thể, người dân tự chiết cây giống rồi đem bán mà không qua bất cứ sự kiểm định nào. Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định, vấn đề sản xuất giống (cây thực sinh hoặc chiết, ghép…) do hệ thống các hộ tư nhân thực hiện để lại nhiều rủi ro vì quá trình nhân, ghép cây ăn quả nói riêng và cây dài ngày nói chung rất khó để đánh giá, kiểm chứng chất lượng của cây giống. Hệ quả là giống của nhiều loại cây ăn quả không đạt chất lượng, dễ bị nhiễm bệnh, năng suất và chất lượng sản phẩm kém. Chưa kể việc quy hoạch, quản lý các cây mẹ, cây đầu dòng còn lỏng lẻo, quy định tiêu chuẩn thiếu cụ thể và chưa có tính khả thi. Trong khi để đánh giá được chất lượng nhóm cây này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Chất lượng chỉ có thể đánh giá được sau hai đến ba năm khi cây cho sản phẩm. Chính vì vậy, không ít trường hợp nông dân mua phải những giống cây không bảo đảm chất lượng, sau vài năm canh tác, sản phẩm lại không được như mong đợi, phải chặt bỏ cả vườn cây, gây thiệt hại lớn.

Để có nguồn giống tốt, cần nâng cao năng lực sản xuất giống cây trồng đạt chất lượng. Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định, phải gắn kết được đơn vị nghiên cứu với các doanh nghiệp có đủ tiềm lực. Từ đó, thiết lập hệ thống phân phối giống một cách bài bản, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Để làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho các hộ nông dân, các cơ sở, viện nghiên cứu để bảo tồn, duy trì, nhân các giống cây bản địa, cây ăn quả quý; lai tạo, chọn tạo trên nền các giống cây ăn quả có thương hiệu, có tính vùng miền. Đồng thời, khuyến khích, có chính sách ưu tiên đầu tư, thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia công tác nhân giống cây trồng.

Cùng với đó, các ngành chức năng cần hoàn thiện, bổ sung các quy định về quản lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như quy hoạch, rà soát quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch đối với vấn đề sản xuất giống cây ăn quả. Các đơn vị, hộ sản xuất, kinh doanh cây giống phải có hồ sơ về cây mẹ, cây đầu dòng, cây giống được ghép, nhân từ cây mẹ phải có đủ thông tin để truy xuất. Bên cạnh đó, phải có quy định rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng khi cây giống không bảo đảm chất lượng.

MINH HUỆ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37528602-khac-phuc-nhung-bat-cap-trong-quan-ly-giong-cay-an-qua.html