Khắc phục những bất cập trong đào tạo trung cấp chuyên nghiệp

Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) là bậc học nhằm phân luồng sau THCS và THPT, đồng thời đào tạo lao động có tay nghề cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, đào tạo TCCN ở nước ta những năm qua vẫn gặp không ít khó khăn.

Giờ thực hành trong phòng thí nghiệm tại Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1 (Vĩnh Phúc). Ảnh: LONG THÀNH

Giờ thực hành trong phòng thí nghiệm tại Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1 (Vĩnh Phúc). Ảnh: LONG THÀNH

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), năm học 2015-2016, cả nước có 482 cơ sở đào tạo TCCN (trong đó, có 245 trường TCCN, 183 trường cao đẳng có đào tạo TCCN và 27 trường đại học có đào tạo TCCN…). Với quy mô là 346.580 học sinh, các cơ sở đào tạo TCCN đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút người học, nâng cao chất lượng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực TCCN cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đáng chú ý, số học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào học TCCN năm 2015 - 2016 tăng đáng kể lên 30.907 học sinh (chiếm 22% so tổng số học sinh), tăng hơn 10 nghìn học sinh so năm học trước là những tín hiệu tích cực đối với công tác phân luồng, đào tạo nhân lực nghề nghiệp.

Tuy nhiên, so yêu cầu nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội thì công tác đào tạo TCCN vẫn còn nhiều bất cập, nhất là cơ sở vật chất trong đào tạo TCCN còn hạn chế. Đội ngũ giáo viên có khoảng hơn 18 nghìn người nhưng chỉ một số rất ít có chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp bảo đảm có thể dạy thực hành; phương pháp giảng dạy theo cách tiếp cận hình thành năng lực cho người học còn xa lạ với một bộ phận lớn các thầy giáo, cô giáo. Một số địa phương chưa thực hiện tốt chức năng quản lý dẫn đến trùng lặp nhóm ngành đào tạo trên cùng một địa bàn, gây lãng phí nguồn lực và tỷ lệ học sinh bỏ học còn khá cao, lên đến 20% ở một số trường TCCN. Sự mất cân đối ngành đào tạo TCCN còn thể hiện ở chỗ học sinh theo học tập trung quá cao vào nhóm ngành sức khỏe (chiếm 35,8%) và nhóm ngành đào tạo giáo viên (chiếm 20,1%), trong khi một số ngành xã hội cần nhiều nhân lực sử dụng lao động như nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản lại khá thấp (chiếm chỉ 5,1%)...

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay, phần lớn các địa phương chưa phối hợp tốt trong quy hoạch giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Vì vậy, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố quyết định trong nâng cao chất lượng dạy, học cho nên cần rà soát, chuẩn hóa lại chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên TCCN. Đáng chú ý, hiện tượng hàng trăm nghìn học sinh tốt nghiệp THCS không vào học THPT và học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước vào thị trường lao động không có tay nghề, cộng với hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp CĐ, ĐH khó khăn tìm kiếm cơ hội việc làm đang đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cần thực hiện các giải pháp đồng bộ phân luồng học sinh hiệu quả. Trong đó, cần tăng cường công tác truyền thông, phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội về công tác phân luồng, hướng nghiệp. Thực hiện quy hoạch sắp xếp các trường THPT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện để thí điểm hình thành trường trung cấp vừa cho học sinh học văn hóa và học kỹ năng nghề trên địa bàn cấp huyện. Đánh giá và nhân rộng mô hình làm tốt việc kết hợp giữa trung tâm giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cấp hai văn bằng cho người học. Đáng chú ý, ngành giáo dục cần xây dựng đội ngũ giáo viên tư vấn hướng nghiệp được đào tạo bài bản chuyên nghiệp ở trong trường THPT. Xây dựng cơ chế, chính sách để huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo kỹ năng cho người lao động... nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo TCCN, góp phần giảm tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay...

NGUYỄN THANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/31200702-khac-phuc-nhung-bat-cap-trong-dao-tao-trung-cap-chuyen-nghiep.html