Khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua, phụ nữ quân đội đã thể hiện rõ nét kết quả của sự phấn đấu, rèn luyện phẩm chất truyền thống phụ nữ Việt Nam. Trên tất cả lĩnh vực công tác, đã có nhiều tập thể, cá nhân, mô hình điển hình tiên tiến xuất sắc, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn quân.

Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An chuẩn bị đồ dùng học tập cho các em nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc.

Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An chuẩn bị đồ dùng học tập cho các em nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc.

Thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua, phụ nữ quân đội đã thể hiện rõ nét kết quả của sự phấn đấu, rèn luyện phẩm chất truyền thống phụ nữ Việt Nam. Trên tất cả lĩnh vực công tác, đã có nhiều tập thể, cá nhân, mô hình điển hình tiên tiến xuất sắc, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn quân.

“Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đồng bào theo đạo Công giáo chiếm gần 10% số dân toàn tỉnh và đứng thứ ba trong cả nước. Trước thực tế đó, mô hình kết nghĩa “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo” được hội viên, phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Nghệ An thực hiện. Thông qua mô hình này, nhằm tăng cường đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, giúp phụ nữ vùng giáo có nhận thức đầy đủ và chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, lương giáo đoàn kết”, chị Hoàng Vân Anh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cho biết.

Sau một thời gian khảo sát, nắm tình hình, tháng 4-2017, Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An chọn địa bàn xóm Lương Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, để làm điểm cho mô hình. Đây là xóm có hơn 85% số dân theo Công giáo và người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ. Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã tổ chức các hoạt động quyên góp, hỗ trợ con giống cho gia đình hội viên phát triển chăn nuôi; thăm hỏi, động viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, hội còn phát động cán bộ, hội viên tiết kiệm mỗi tháng 10 nghìn đồng để tổ chức mỗi tháng nấu hai bữa ăn dinh dưỡng cho gần 50 cháu thuộc Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi thuộc Giáo họ Tân Hương, Giáo xứ Bố Sơn (xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc). “Ban Chấp hành hội phân công các tổ luân phiên đến thăm và trực tiếp nấu ăn, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh cho các con. Mỗi lần chúng tôi xuất hiện là các con đều ùa ra và gọi chúng tôi bằng mẹ. Chúng tôi rất vui mừng vì từ những việc làm cụ thể này, đã tạo cho các con được niềm vui trong cuộc sống”, chị Vân Anh chia sẻ.

Từ mô hình này, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã làm được công tác dân vận ngay trong nhà thờ và trong bà con giáo dân, góp phần tăng cường đoàn kết lương giáo, củng cố mối quan hệ quân dân. Đồng thời, mô hình kết nghĩa với phụ nữ địa phương, nhất là phụ nữ vùng giáo đã được nhân rộng trong các tổ chức phụ nữ của Quân khu.

Hội Phụ nữ Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Trường Sĩ quan Chính trị (Bắc Ninh) có 11 hội viên, với công việc hằng ngày của các chị gắn liền với việc lo “cơm, áo, gạo, tiền, xăng, dầu, mỡ, nước” cho cả trường. Tuy bận rộn, vất vả, nhưng chị em có nguyện vọng xây dựng cho mình một sân chơi để nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên, phụ nữ. Năm 2011, Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu dân ca quan họ”, được thành lập, hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện và có sự quản lý tập trung, tuân thủ kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị. Sống trong không gian văn hóa quan họ cho nên ai cũng nhớ, thuộc những làn điệu dân ca và trở nên yêu thích lúc nào không hay. Từ chỗ thuộc vài câu đến muốn thuộc cả làn điệu, từ biết một làn điệu đến muốn biết thêm nhiều, rồi muốn chia sẻ với người khác... đó chính là động lực tinh thần giúp phát triển CLB.

Với mong muốn giúp các thành viên làm quen với nhiều làn điệu dân ca, bên cạnh việc sưu tầm tài liệu hướng dẫn, Ban chủ nhiệm CLB còn thường xuyên mời các nghệ nhân có uy tín trên địa bàn đến hướng dẫn chị em múa, hát. Nhờ vậy, nhiều làn điệu dân ca vốn khá xa lạ với các chị em giờ đã trở nên thân thuộc, chất lượng hoạt động của CLB được nâng cao. Được cán bộ, chiến sĩ ủng hộ và đánh giá cao, các hội viên càng tích cực, hăng hái tham gia, CLB mở rộng, kết nạp được 28 thành viên ở các cơ quan, đơn vị trong nhà trường tham gia và thường xuyên tổ chức giao lưu với các liền anh, liền chị quan họ vùng Kinh Bắc. Tuy bận rộn với công việc hằng ngày, nhưng khi biểu diễn trên sân khấu, các thành viên lại say mê với những điệu múa, lời ca mộc mạc, chân chất mà đằm thắm. Sau hơn bảy năm hoạt động, CLB đã tổ chức được các buổi sinh hoạt, giao lưu với các CLB quan họ địa phương; giao lưu với các học viện, nhà trường và các bệnh viện trong quân đội. Đặc biệt, CLB là hạt nhân nòng cốt của Đội văn nghệ nhà trường tham gia “Liên hoan hát ru, hát dân ca và âm nhạc cổ truyền” toàn quân (năm 2017) và đoạt giải xuất sắc… Hoạt động của CLB đã thu hút được đông đảo các lực lượng trong và ngoài đơn vị tham gia, ủng hộ.

Có thể khẳng định, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình tiêu biểu của các hội phụ nữ trong toàn quân những năm qua đã góp phần duy trì, đẩy mạnh các phong trào, mô hình thi đua hiệu quả, tạo sức lan tỏa và động lực mạnh mẽ. Qua đó khơi dậy trong cán bộ, hội viên phụ nữ tinh thần khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.

MINH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/nhan-ai/item/39750702-khac-phuc-kho-khan-hoan-thanh-tot-nhiem-vu.html