Khắc phục hạn chế, 'nút thắt' cản trở quá trình đổi mới

Việc thể chế hóa nghị quyết thành các chính sách đã được thực hiện tích cực, đồng bộ và bám sát thực tiễn, giải quyết được những vấn đề cốt yếu của đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Ảnh minh họa/internet

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo (việc ban hành văn bản và tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện gắn với người đứng đầu) của Bộ GDĐT đối với ngành Giáo dục, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết:

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai Nghị quyết 29, Nghị quyết 44, từ năm 2014 đến tháng 6/2018, Chính phủ đã ban hành 20 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 13 Quyết định, Bộ GDĐT ban hành 158 thông tư, Bộ LĐTBXH ban hành 34 thông tư.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GDĐT căn cứ tình hình triển khai nhiệm vụ còn ban hành thêm các quyết định cá biệt. Bộ GDĐT cũng kịp thời sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản cho phù hợp với thực tế, khắc phục những hạn chế, “nút thắt” cản trở quá trình đổi mới.

Việc thể chế hóa nghị quyết thành các chính sách đã được thực hiện tích cực, đồng bộ và bám sát thực tiễn, giải quyết được những vấn đề cốt yếu của đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.

Bộ GDĐT đã tiến hành rà soát, phân tích những tác động tích cực và hạn chế của Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009, tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Giáo dục.

Căn cứ vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.

Việc xây dựng 02 Dự án Luật đã đảm bảo theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Ngày 11/4/2018, Chính phủ có Tờ trình Quốc hội số 123/TTr-CP và 124/TTr-CP về 02 dự án Luật. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và tại hội trường về 02 dự án Luật. Ngày 15/6/2018, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 64/2018/QH14 về kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, theo đó Quốc hội nhất trí mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Thực hiện Nghị quyết số 64/2018/QH14, Bộ GDĐT đã tích cực nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung, tiếp tục làm sâu sắc thêm các báo cáo đánh giá tác động và tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức các cuộc hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan quản lý, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục phổ thông, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Giáo dục đại học năm 2012 và các chính sách của Dự án luật.

Về cơ bản, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển Giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Chính phủ về Dự án Luật và đồng ý với hồ sơ Dự án Luật.

Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự án Luật và hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Bộ GDĐT đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức các cuộc hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan quản lý, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục phổ thông, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật; hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lập Phương (lược ghi)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khac-phuc-han-che-nut-that-can-tro-qua-trinh-doi-moi-3955841-v.html