Khắc phục hạn chế, khơi dậy tiềm năng, lợi thế để Thủ đô phát triển bứt phá

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã đưa ra tổng kết, đánh giá tương đối toàn diện về những kết quả đã đạt được, chưa đạt được của nhiệm kỳ 2015-2020 và đưa ra những nhóm giải pháp trọng tâm, 3 đột phá để phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới. Góp ý sâu sắc hơn vào nội dung này trong dự thảo báo cáo chính trị, một số cán bộ nguyên là lãnh đạo thành phố Hà Nội hay các trí thức, nhà khoa học cho rằng, cần phân tích kỹ hơn những hạn chế, tồn tại cũng như các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô hiện nay để tạo tiền đề cho sự phát triển bứt phá.

Đồng chí Bùi Duy Nhâm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội: Cần quan tâm hơn tới hạ tầng giao thông

Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song TP Hà Nội vẫn duy trì phát triển trên các lĩnh vực, với nhiều điểm sáng. Tôi cho rằng, dự thảo Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI xây dựng đã đánh giá toàn diện, sâu sắc các lĩnh vực trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Ấn tượng nhất là thành phố đã thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, bảo đảm sự phát triển vững chắc trong điều kiện có nhiều thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen.

Điểm nổi bật nữa là môi trường đầu tư được cải thiện; xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; các thiết chế văn hóa cơ sở được tăng cường và từng bước hoạt động hiệu quả..., tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của giai đoạn sắp tới. Bên cạnh đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô cũng được giữ vững, tạo môi trường ổn định cho phát triển...

Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo chính trị cũng cần đánh giá sâu hơn những hạn chế, tồn tại trong nhiệm kỳ 2015-2020, nhất là các vấn đề như hạ tầng giao thông khung của thành phố phát triển chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hay ô nhiễm môi trường vẫn là thách thức.

Trên cơ sở đó cần xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới là phải xây dựng, hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống giao thông, nhất là các trục hướng tâm, đường vành đai, đường ngang kết nối các trục hướng tâm để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đó là những trục đường như: Phía Nam đi Ứng Hòa, đường Đỗ Xá - Quan Sơn, đường Miếu Môn (huyện Mỹ Đức), đường Tây Thăng Long đi thị xã Sơn Tây...

Cần lưu ý thêm là quy hoạch giao thông phải gắn với quy hoạch 2 bên đường để sử dụng hiệu quả quỹ đất; đẩy mạnh di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường học trong diện phải di dời để giảm tải cho nội đô, kết hợp với chỉnh trang đô thị xanh, sạch, đẹp. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống gắn với kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường... Đặc biệt, phải phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở, phải sâu sát hơn, gần dân hơn.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Làm rõ nét hơn các bài học kinh nghiệm

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm của vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía bắc. Với vai trò của mình, Hà Nội là hạt nhân liên kết các vùng phụ cận nhằm phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố mặc dù có đề cập đến vấn đề này nhưng chưa rõ nét về mối liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển.

Ngoài ra, nhiều lĩnh vực Đảng bộ thành phố lãnh đạo, chỉ đạo đạt được kết quả rất nổi bật như: Nông thôn mới, phát triển giáo dục đào tạo, ổn định an ninh chính trị, giảm tỷ lệ hộ nghèo… Tôi cho rằng, trong dự thảo Báo cáo chính trị nên làm rõ nét hơn những bài học kinh nghiệm để có thể nhân rộng tại các địa bàn phù hợp không chỉ riêng Hà Nội mà trên cả nước.

Trong phát triển văn hóa, báo cáo nêu thực hiện Chương trình 04-CTr/TU và một số kết quả đạt được. Tuy vậy, vấn đề mang tính nền tảng, có tính cốt cách, chiều sâu và sự phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển trong văn hóa của người Hà Nội chưa được đậm nét.

PGS. TS Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội: Tạo ra sự khác biệt, đặc trưng của lao động Thủ đô

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII có nội dung liên quan trực tiếp đến các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn. Đặc biệt, tại Dự thảo khâu đột phá thứ ba trong ba khâu đột phá có nội dung về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Tôi cho rằng, trong dự thảo, phần thành tựu đã đạt được thời gian qua nên có thêm đánh giá về giáo dục đại học, nhấn mạnh tới sự chủ động của thành phố trong khai thác, phát huy tiềm lực của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở khoa học công nghệ trên địa bàn vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.

Từ đó, cần bổ sung vào Văn kiện nội dung: Tăng cường và đảm bảo kết nối giữa các cấp học, trình độ đào tạo về công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh trong học đường, hướng đến tạo khác biệt, đặc trưng cho lao động Thủ đô.

Về hình thức, tại mục 5, trang 53, dòng 9, 10 từ dưới lên, câu “Kết hợp đào tạo năng lực nhận thức, tư duy sáng tạo với giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội của người học” nên chuyển thành “chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy sáng tạo cho người học”.

Duy Tiến (Ghi)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/khac-phuc-han-che-khoi-day-tiem-nang-loi-the-de-thu-do-phat-trien-but-pha/857186.antd