Khắc phục cây công nghiệp sau bão lũ cần lưu ý gì?

Không được bón phân hóa học cho cây tiêu có choái bị gãy đổ hoặc long gốc. Nhặt sạch quả rụng cà phê để hạn chế lây lan tác hại của mọt đục quả...

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản hướng dẫn các địa phương ở miền Trung và Tây Nguyên một số lưu ý về kỹ thuật trong việc khôi phục các loại cây công nghiệp bị ảnh hưởng sau bão lũ.

Cây hồ tiêu

Các trụ tiêu bị gãy đổ cần dựng lại kịp thời, hạn chế làm lay gốc hồ tiêu. Đối với vườn tiêu trồng choái sống, cần rong tỉa các cành bị gãy. Nếu trụ sống bị gãy, cần dùng trụ gỗ tạm thay thế, buộc thân tiêu vào trụ tạm (lưu ý thao tác cần nhẹ nhàng, tránh làm thân tiêu bị dập). Sau đó trồng cây choái sống mới để tiêu bám vào ở các năm sau.

 Sau mưa bão, nhiều diện tích hồ tiêu có nguy cơ bùng phát các bệnh nguy hiểm. Ảnh: Công Điền.

Sau mưa bão, nhiều diện tích hồ tiêu có nguy cơ bùng phát các bệnh nguy hiểm. Ảnh: Công Điền.

Chú ý thoát nước cho vườn tiêu. Nếu xung quanh gốc tiêu đất bị đóng váng, cần xới xáo nhẹ, hạn chế làm tổn thương rễ. Nếu có thể, nên dùng một trong các loại thuốc nấm hoặc các chế phẩm Trichoderma đối kháng tưới vào gốc để phòng trừ bệnh thối gốc, thân do nấm Phytophthora gây nên.

Thường xuyên kiểm tra vườn tiêu để phát hiện bệnh chết nhanh, để phòng trừ kịp thời. Không được bón phân hóa học cho cây tiêu có choái bị gãy đổ hoặc long gốc. Chỉ dùng phân bón lá để bổ sung dinh dưỡng kịp thời nhằm tránh rụng quả tiêu. Nên dùng các loại phân bón lá chuyên dùng cho hồ tiêu như NUPE.

Cây cà phê

Cà phê kiến thiết cơ bản bị long gốc, nghiêng theo chiều gió: cần dùng cọc tre, gỗ, đóng sâu vào đất, cố định cây để hạn chế bị lung lay cây khi có gió gây xây xát cổ rễ, dẫn đến bị bệnh lở cổ rễ. Dậm đất chặt xung quanh gốc. Nếu hố cà phê bị đọng nước, cần có biện pháp thoát nước kịp thời, xới xáo nhẹ mặt đất để thoáng khí cho rễ cây (tránh gây tổn thương bộ rễ).

Không bón phân hóa học vào đất đối với các cây cà phê bị long gốc, chỉ có thể bổ sung dinh dưỡng qua lá. Nên dùng các loại phân bón lá chuyên dùng cho cà phê.

Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là các cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh lở cổ rễ và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Có thể dùng các loại thuốc nấm... tưới gốc 2 - 3 lần cách nhau 20 - 25 ngày. Nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Cà phê kinh doanh bị gãy cành, rụng quả: cắt cành gãy, vệ sinh đồng ruộng. Nhặt sạch quả rụng trên vườn để hạn chế lây lan tác hại của mọt đục quả. Chú ý rong tỉa cành cây che bóng bị gãy trên vườn cà phê.

Nhiều diện tích cà phê ở Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng do ngập lũ vừa qua. Ảnh: TA.

Cây cao su

Đối với vườn cây giai đoạn kiến thiết cơ bản:

Với diện tích có cây bị nghiêng do gió bão, tiến hành dựng lại và chống bằng cọc gỗ hoặc tre/dây thừng và bồi đắp thêm đất vào gốc cây và lèn chặt, kết hợp đào rãnh thoát nước cho vườn.

Đối với cây gãy cành, tiến hành cưa vát 30 độ bỏ cành gẫy, bôi vaseline hoặc nước vôi pha loãng lên vết cắt. Cây cao su gẫy thân ở độ cao trên 2,0 - 2,5 m tiến hành cưa phía dưới vết gẫy, xử lý vết cắt như trên.

Vườn cây cao su bị gãy ngọn hoặc gãy thân cách mặt đất trên 1m, tiến hành cưa nghiêng (45 độ) dưới vết gãy khoảng 20 cm, sau đó bôi mỡ vaselin trên bề mặt của vết cắt, ngăn nấm bệnh gây hại.

Đối với vườn cây cao su kiến thiết cơ bản tuổi 1 đến 3 bị đổ gãy mất khoảng cần trồng dặm bằng cây cao su có nhiều tầng lá. Chú ý phòng trừ bệnh héo đen đầu lá cao su sau bão.

Với vườn cao su đang kinh doanh

Vườn có cây bị nghiêng trên 20 độ do ảnh hưởng của bão, tiến hành cắt bớt lá, dựng lại và chống bằng cọc gỗ hoặc tre/dây thừng, bồi đắp thêm đất vào gốc và lèn chặt. Lưu ý biện pháp này cần triển khai sớm, khi đất đã khô khó dựng lại và cây dễ bị chết.

Diện tích cao su có trên 70% số cây gẫy đổ ngang thân cách mặt đất dưới 2 - 2,5 m, thanh lý để trồng lại cao su hoặc chuyển cây trồng khác. Ảnh: Tiến Thành.

Tạm ngừng khai thác, tập trung chăm sóc phục hồi vườn cây, căn cứ tình hình sinh trưởng của cây cần bón phân bổ sung hoặc phun phân qua lá để cây phục hồi sinh trưởng, khi cây phát triển ổn định trở lại tiếp tục tiến hành khai thác mủ.

Cây cao su bị nghiêng nhẹ, nứt vỏ, tiến hành chăm sóc bình thường, với những cây sau một thời gian bị rụng lá toàn bộ có thể cưa dưới đoạn thân chết để cây nảy chồi tiếp tục khai thác những năm sau.

Đối với vườn cao su kinh doanh có dưới 40% số cây bị gãy đổ ngang thân (vanh thân trên 12 cm) ở độ cao dưới 2 - 2,5 m, tiến hành cưa sát mặt đất 8 đến 12 cm để tạo thân mới; cây có vanh thân dưới 12 cm cưa dưới vết gẫy và bôi vaseline hoặc nước vôi pha loãng lên vết cắt để cây phục hồi.

Đối với diện tích cao su có từ 40 đến 70% số cây gẫy đổ ngang thân cách mặt đất dưới 2 - 2,5 m, khôi phục vườn cây hoặc thanh lý để trồng lại cao su hoặc chuyển sang cây trồng khác. Diện tích cao su có trên 70% số cây gẫy đổ ngang thân cách mặt đất dưới 2 - 2,5 m, thanh lý để trồng lại cao su hoặc chuyển cây trồng khác.

Cây mía

Giai đoạn này mía đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch nên không bón phân, chỉ tập trung xử lý tình trạng cây bị đổ ngã với một số giải pháp sau: Thoát nước nhanh những ruộng mía bị ngập úng. Dựng thẳng lại cây mía bị đổ ngã sau đó buộc gom 3 - 4 cây/khóm để cây có thể đứng và hạn chế bị đổ trở lại.

Bóc bỏ lá già làm giảm trọng lượng cây kết hợp với vun cao gốc sau khi mía được dựng thẳng để hạn chế tối đa việc cây có thể bị đổ trở lại. Phun phân K - Humate lên lá để phục hồi nhanh đối với ruộng mía dưới 9 tháng tuổi (dự kiến thu hoạch sau tháng 1/2021).

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khac-phuc-cay-cong-nghiep-sau-bao-lu-can-luu-y-gi-d278732.html