Công tác cán bộ là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi

Phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước. Với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, những năm qua nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đã ngày càng được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là vấn đề chiến lược

Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc cùng sinh sống. Vì thế, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) là vấn đề mang tính chiến lược, tạo ra động lực to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành tựu đạt được, nguồn nhân lực các DTTS còn bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém. Để khắc phục tình trạng này, ngày 15/6/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 52/NĐ- CP đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch đẩy mạnh và phát triển nguồn nhân lực DTTS.

Cán bộ người dân tộc thiểu số chính là “đầu tàu” phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi. Ảnh TL

Tại tỉnh Sơn La, đồng bào DTTS chiếm tới hơn 82% dân số. Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37-KH-UBND ngày 3/3/2017 về đẩy mạnh và phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020. Nhờ đó, thời gian qua đã có hơn 42.100 người số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La được hỗ trợ học nghề; gần 2.420 cán bộ, công chức xã được đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tỷ lệ người DTTS được đào tạo là 87%, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 95%...

Tỉnh Điện Biên có dân số hơn 60 vạn người, gồm 19 dân tộc, trong đó DTTS chiếm 82,6%. Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Điện Biên đã ban hành kế hoạch; triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nguồn nhân lực với thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xã Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là xã biên giới, với hơn 95% đồng bào DTTS. Gần 6 năm về trước, xã Mường Pồn nổi lên tình trạng nhiều người dân vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Thực hiện Quyết định số 942/QĐ- UBND ngày 26/7/2016 của UBND tỉnh Điện Biên về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, Đảng ủy xã Mường Pồn đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, cán bộ chuyên trách xã tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn và lý luận chính trị.

Nhờ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của địa phương đã không ngừng nâng lên. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, số ủy viên Ban chấp hành là người DTTS có 13/15 đồng chí (đạt tỷ lệ 86,7%), số lượng cán bộ, công chức người DTTS là 19/20. Về chuyên môn, có 15/20 cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học. Nhiều đồng chí được tổ chức quy hoạch, bổ nhiệm vị trí chủ trì, chủ chốt đã khẳng định vai trò nòng cốt, hạt nhân trong lãnh đạo.

Đáng chú ý, đến nay, hầu hết các hủ tục tại xã được xóa bỏ, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn 15%. Xã cơ bản đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.

Ông Giàng A Dình - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết, thành công này đến từ việc Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực cho người DTTS và Nghị quyết số 52/NQ- CP đã thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó là nhờ đội ngũ cán bộ DTTS.

“Ngoài việc được đào tạo bài bản, các cán bộ là người DTTS còn am hiểu đồng bào, am hiểu những phong tục tập quán đã gắn bó với đồng bào từ bao đời nay, nên họ có cách thuyết phục, lôi cuốn đồng bào làm theo các chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước để cùng phát triển, đưa cuộc sống của bà con đồng bào DTTS ngày càng văn minh hơn” - ông Giàng A Dình chia sẻ.

Ngoài việc nâng cao trình độ, cán bộ phải không ngại khó, ngại khổ

Theo báo cáo từ các địa phương có thể thấy, đến nay, số lượng cán bộ cấp xã là người DTTS đã tương đối đầy đủ và cân đối về số lượng thành phần dân tộc. Tuy nhiên, cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quy hoạch, y tế chưa cao. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tham mưu, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Sơn La đã chú trọng tới cốt lõi của vấn đề, đó là phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ cả lượng và chất. Theo đó, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ, cán bộ đảng viên chủ động đi học tập nâng cao trình độ, tỉnh Sơn La còn thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ người DTTS ngay tại cơ sở.

Tại tỉnh Kiên Giang, nhằm nâng cao phát triển toàn diện nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số cả về thể lực và trí lực, tỉnh đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 25% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 75% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ học sinh DTTS đi học cấp tiểu học 100%. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng tuổi gần với mức bình quân của cả nước. Ngoài ra, đào tạo sau đại học cho người DTTS đặt chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 0,3%; đến năm 2030 là 2% trong tổng số lao động dân tộc thiểu số đã qua đào tạo…

Gần đây, tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng DTTS và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” diễn ra tại tỉnh Sơn La, hầu hết các ý kiến thảo luận đều cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS và miền núi là yếu tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Việc cần kíp là đánh giá và lựa chọn mô hình đào tạo phù hợp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; thường xuyên đổi mới nội dung, cách thức đào tạo phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp thu của nhân lực DTTS, phù hợp với điều kiện vùng; có các chính sách bồi dưỡng dự bị đại học và đào tạo cử tuyển cho con em DTTS.

Tuy nhiên, các ý kiến thảo luận cũng cho rằng, ngoài các chính sách của Đảng và Nhà nước giúp nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ người DTTS ở cở sở, thì yếu tố quan trọng hơn tất cả chính là nhận thức của từng cán bộ. Cán bộ cần có ý thức vươn lên học tập nâng cao trình độ, không ngại khó ngại khổ trong việc tu dưỡng tại các cơ sở đào tạo. Có như vậy, mới làm cho công tác cán bộ ở cơ sở thực sự phát huy hiệu quả, tác dụng./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cong-tac-can-bo-la-yeu-to-then-chot-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dan-toc-va-mien-nui-101674.html