Khắc phục bất cập trong mua sắm tài sản công

Việc mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung của TP Hà Nội được triển khai từ tháng 10-2016 đến nay.

Qua đợt khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố mới đây cho thấy, dù đã giảm đầu mối, tiết kiệm chi phí, nhân lực của các cơ quan, song việc mua sắm còn chậm tiến độ, việc bảo trì, bảo dưỡng tài sản gặp nhiều khó khăn… Vấn đề này cần sớm được khắc phục để việc mua sắm tài sản công thực sự hiệu quả.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội khảo sát công tác mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung tại huyện Thường Tín.

Kết quả bước đầu

Thực hiện Quyết định 08/2016/ QĐ-TTg ngày 26-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3425/QĐ-UBND ngày 27-6-2016 về danh mục tài sản mua sắm tập trung của TP Hà Nội.

Qua hai năm thực hiện, việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung đã đạt kết quả bước đầu, như: Giảm đầu mối thực hiện mua sắm, tiết kiệm chi phí, nhân lực của các cơ quan, đơn vị; kiểm soát được mặt bằng giá cả tài sản, đồng thời cơ bản đồng bộ các trang thiết bị, phù hợp nhu cầu sử dụng, kinh phí của các đơn vị. Đặc biệt, nhờ phương thức này, thành phố đã tiết kiệm được hơn 200 tỷ đồng.

Dù vậy, qua đợt khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cho thấy, công tác này còn bất cập, vướng mắc. Ngoài việc tiến độ mua sắm, trang bị tài sản, trang thiết bị chậm; việc bàn giao, lắp đặt, bảo hành, bảo trì cũng gặp nhiều khó khăn. “Qua khảo sát tại các quận, huyện: Đống Đa, Tây Hồ, Thường Tín cho thấy, những tài sản cần thiết như, điều hòa, máy tính, bàn ghế... đều phải đăng ký và chờ đấu thầu nên có lúc không đáp ứng được nhiệm vụ của địa phương” - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết.

Về những bất cập trên, đại diện Sở Tài chính (cơ quan tham mưu cho UBND thành phố lĩnh vực này) cho biết, đây là nhiệm vụ mới, có tính chất phức tạp, trong khi đơn vị mua sắm tập trung của thành phố mới kiện toàn, đi vào hoạt động (tháng 10-2016), nhân lực mỏng, kinh nghiệm chưa nhiều. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị tổng hợp và gửi đăng ký nhu cầu chậm so với quy định; số liệu tổng hợp có lúc chưa chính xác. Cá biệt, một số đơn vị đăng ký cùng loại tài sản, nhưng có nhiều thông số kỹ thuật và mức giá khác nhau, dẫn đến mất nhiều thời gian tổng hợp, họp thống nhất đồng bộ về thông số kỹ thuật, mức giá.

Về việc chậm trong lắp đặt, bàn giao tài sản, đại diện Sở Tài chính cho biết, do một nhà thầu trúng thầu nhiều đơn vị, nên việc ký hợp đồng, bàn giao tài sản khó thực hiện đồng thời, mà cần sắp xếp ưu tiên theo đối tượng, nhóm khu vực. Một số đơn vị mua sắm số lượng ít, địa bàn xa, nên các nhà thầu chưa kịp thời trong công tác bảo hành, bảo trì.

Cần giải pháp đồng bộ

Để công tác mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung thực sự hiệu quả, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, UBND thành phố đã tổ chức họp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để nghe Sở Tài chính báo cáo đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời có ý kiến chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị.

Theo đó, đối với việc thống nhất thông số và mức giá tài sản, UBND thành phố đã giao cho các cơ quan chuyên môn hằng năm ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, mức giá dự toán của tài sản trên cơ sở có sự điều chỉnh cho phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, nhu cầu sử dụng thực tế của cơ quan, đơn vị để làm căn cứ đăng ký, bảo đảm tính đồng bộ.

Bên cạnh đó, để khắc phục việc chậm trễ chờ đăng ký mới tổ chức đấu thầu, hiện nay UBND thành phố chỉ đạo đơn vị mua sắm tập trung thành phố tổng hợp nhu cầu và tổ chức định kỳ hằng tháng. Thực tế, thời gian qua, các đơn vị đăng ký nhu cầu đúng hạn (trước ngày 31-1-2018) đã được mua sắm tài sản kịp thời và bàn giao thỏa thuận khung vào cuối tháng 4-2018, nhanh hơn 3 tháng so với năm 2017. Những đơn vị gửi đăng ký nhu cầu chậm so với thời hạn (tháng 2, 3, 4 năm 2018) cũng đã có kết quả mua sắm tập trung trong hai đợt tháng 5 và tháng 6-2018.

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai, cần bổ sung trách nhiệm, quy định rõ các chế tài ràng buộc, điều kiện cụ thể với nhà thầu vào thỏa thuận khung, đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị bổ sung vào hợp đồng trực tiếp cho phù hợp với nhu cầu của đơn vị, nhất là điều khoản trách nhiệm phạt hợp đồng đối với nhà thầu khi cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo trì chậm. Đồng thời, Sở Tài chính cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc thường xuyên công tác mua sắm tập trung; kịp thời tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo giải quyết khi có vướng mắc hoặc tham mưu báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác mua sắm tập trung.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/909408/khac-phuc-bat-cap-trong-mua-sam-tai-san-cong