Khắc phục bất cập hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định quy định điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động Trung tâm Dịch vụ việc làm để phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019, và bảo đảm cơ sở pháp lý hoạt động cho các đơn vị này.

Khắc phục bất cập hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm

Khắc phục bất cập hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm

Triển khai Bộ luật lao động năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm, tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, có một số hạn chế, bất cập và những vấn đề đặt ra.

Hiện nay, cả nước có 88 trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập và hoạt động theo quy định Nghị định số 196/2013/NĐ-CP. Mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm gồm 63 trung tâm do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW thành lập và giao cho Sở LĐ-TB&XH quản lý; 25 trung tâm thuộc ngành, tổ chức chính trị - xã hội.

Từ năm 2016 đến nay, đã có sự biến động lớn về thành lập, tổ chức lại và giải thể Trung tâm, đặc biệt là các Trung tâm thuộc tổ chức chính trị - xã hội. Việc tổ chức lại gặp nhiều vướng mắc do trình tự, thủ tục,… Sở LĐ-TB&XH gặp khó khăn trong việc nắm thông tin về thành lập, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm do tổ chức chính trị - xã hội quản lý. Việc lập kế hoạch, theo dõi, đánh giá hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn hạn chế.

Theo quy định Trung tâm dịch vụ việc làm có 9 nhiệm vụ chính, tuy nhiên trên thực tế do thiếu nguồn lực nên nhiều Trung tâm chưa đảm bảo việc thực hiện được đầy đủ chức năng.

Đặc biệt là nhiệm vụ "Thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động". Nhiệm vụ này là quan trọng đối với Trung tâm, vì vừa là thông tin đầu vào để phục vụ hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo,…vừa là sản phẩm đầu ra để phục vụ quản lý nhà nước, định hướng trong giáo dục, đào tạo, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm cho mỗi gia đình, cá nhân từng người lao động.

Hiện nay, tên gọi của các Trung tâm chưa đảm bảo theo quy định, mô hình tổ chức hoạt động của hệ thống Trung tâm chưa thống nhất với nhau, các phòng chuyên môn tại các Trung tâm được bố trí khác nhau, tên gọi khác nhau, dẫn đến khó khăn trong việc liên kết, chia sẻ thông tin, cũng như chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, thị trường lao động ngày càng phát triển, yêu cầu về dịch vụ việc làm ngày càng tăng, song số biên chế được giao bổ sung ngày càng ít, chưa kể phải thực hiện tinh giản biên chế khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động…

Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XII khẳng định sự cần thiết xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ định hướng XHCN, trong đó việc xây dựng thị trường lao động hiện đại, đồng bộ định hướng XHCN là thành phần cơ bản, rất quan trọng.

Chỉ thị 07/CT-TTG ngày 4/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, trong đó giao Bộ LĐ-TB&XH thực hiện các giải pháp nhằm "nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm; tập trung thực hiện hiệu quả dự báo, thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động ...".

Theo Ban soạn thảo, Dự thảo Nghị định đảm bảo tính thực tiễn cao để Trung tâm Dịch vụ việc làm thực sự là đơn vị sự nghiệp công, trở thành công cụ hiệu quả trong xây dựng, quản trị thị trường lao động hiện đại. Hỗ trợ tích cực cho người lao động, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Phù hợp, tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã kí kết.

Từ những hạn chế, bất cập và những vấn đề mới đặt ra, nội dung dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa, đồng thời bổ sung thêm các Điều để khắc phục những bất cập trong thành lập, hoạt động Trung tâm dịch vụ việc làm và phù hợp với các chỉ đạo, quy định hiện hành.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khac-phuc-bat-cap-hoat-dong-cua-trung-tam-dich-vu-viec-lam-1597140369669.html