Khắc phục bất cập để thật sự bền vững

Trong đợt hạn mặn đầu năm 2020, tỉnh Sóc Trăng có hơn 24.400 hộ thiếu nước sinh hoạt, đứng đầu các địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn tỉnh Sóc Trăng đang bộc lộ nhiều bất cập và chưa thật sự bền vững.

Thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng

Đây không phải lần đầu tiên tỉnh Sóc Trăng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt khi hạn, mặn diễn ra gay gắt. Còn nhớ, trong đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, hàng chục nghìn hộ dân khu vực nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Mùa khô năm nay, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn.

Ông Nguyễn Văn Sử ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) than thở: "Năm nào cũng vậy, mới bước vào mùa khô (tháng 11 hằng năm) là gia đình tôi đã lo thiếu nước. Bồn, lu, khạp chứa nước đều được huy động để hứng nước mưa. Năm nay lượng mưa giảm, mùa khô kéo dài, đến tận cuối tháng 4 vừa rồi mới thấy vài cơn mưa. Khu vực này gần biển, mặn xâm nhập quanh năm nên ít ai dám đầu tư khoan giếng tìm kiếm nước ngọt, mất tiền nhưng kết quả không chắc chắn. Hết nguồn nước mưa dự trữ, mỗi tháng gia đình phải bấm bụng chi thêm hơn 400.000 đồng mua nước đóng thùng phục vụ ăn, uống".

Có nhà nằm ven cánh đồng, cách xa đường giao thông liên ấp của xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) gần 2km, bà Sơn Thị Na kể về nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt của gia đình mình: "Đợt hạn mặn năm 2016, gia đình tôi được Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng tặng một chiếc bồn chứa 500 lít nước, sau đó dành dụm mua thêm một bồn nữa chứa nước mưa. Năm 2020 này, nước mưa chỉ để nấu ăn và để uống thôi, vậy mà mới đến giữa tháng 2 đã hết sạch nước. Nước trên các kênh, rạch gần nhà đều bị nhiễm mặn, giếng khoan cũng bị nhiễm, nhà ở xa tuyến đường giao thông nên không biết bao giờ mới có đường ống dẫn nước ngọt vô tới".

 Việc nhiều hộ dân khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt trong mùa hạn hán, mặn xâm nhập.

Việc nhiều hộ dân khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt trong mùa hạn hán, mặn xâm nhập.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mùa khô năm 2020, 7 tỉnh ven biển ĐBSCL (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang) có 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở những vùng nông thôn, trong đó tỉnh Sóc Trăng nhiều nhất với hơn 24.400 hộ.

Bất cập từ nguồn cung cấp nước

Theo ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt chủ yếu là do thiếu... nước trời và thiếu vốn đầu tư hệ thống cấp nước tập trung.

Ông Quyết dẫn chứng: Tỉnh Sóc Trăng có đông dân cư vùng nông thôn nhưng còn bức bách về nước sạch sử dụng, nhất là trong vùng hạn mặn. Chuyện thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay là do mùa mưa dứt sớm, mặn lên nhanh và xâm nhập sâu khiến nguồn nước mặt bị nhiễm mặn. Nguồn nước ngầm suy giảm và một số nơi bị nhiễm mặn, người dân sống xa các công trình cấp nước tập trung, thiếu dụng cụ trữ nước ngọt.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, các địa phương ven biển ĐBSCL đều ở tình trạng tương tự như Sóc Trăng. Nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn đang bộc lộ nhiều bất cập và chưa thật sự bền vững. Sự thiếu bền vững được thể hiện qua số liệu báo cáo của ngành chức năng, có hơn 99% nguồn cung cấp nước sinh hoạt và cả cho sản xuất được lấy từ nước ngầm.

Tại Sóc Trăng, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang quản lý, vận hành 145 công trình cấp nước tập trung, công suất từ 168 đến 960m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho gần 60% số hộ nông thôn trong tỉnh và tất cả đều sử dụng nguồn nước ngầm. Hơn 38% số hộ còn lại hầu hết cũng khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt, chỉ một số ít sử dụng nguồn nước mặt hay nước mưa. Tương tự, hệ thống nhà máy nước do Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng quản lý, cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực đô thị cũng được lấy từ nước ngầm.

Chính sự khai thác quá mức nguồn tài nguyên nước ngầm, trong khi nguồn bổ sung cho nước ngầm không còn dồi dào như trước đã làm cho mực nước ngầm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sụt giảm nghiêm trọng, dễ bị nhiễm mặn khi mùa khô hạn kéo dài và mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Ngay từ đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đã phải tạm ngưng khai thác một giếng khoan có độ sâu gần 500m (tại Khu công nghiệp An Nghiệp, TP Sóc Trăng) vì độ mặn vượt trên 0,2%. Nhiều công trình cấp nước nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng quản lý cùng những giếng khoan của hộ gia đình cũng bị nhiễm mặn khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hơn.

Đâu là giải pháp?

Để giải quyết bài toán nước sinh hoạt nông thôn trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng, cần sớm đầu tư thêm các công trình cấp nước tập trung, mở rộng hệ thống tuyến cấp nước cho các vùng nông thôn trong tỉnh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho 96.000 hộ dân khu vực ven biển ĐBSCL, trong đó có 24.400 hộ của Sóc Trăng, trong vòng 3 năm tới, các địa phương cần có khảo sát thực địa nhằm giảm, hạn chế khai thác, sử dụng nước ngầm, bởi thực tế cho thấy, chỉ 8% nước ngầm do hộ dân tự khoan dùng trong sinh hoạt, còn lại 92% là để sản xuất. Ngoài ra, các địa phương vùng ĐBSCL cũng cần tăng công suất các trạm cấp nước tập trung, kéo dài đường ống. Chỉ nơi nào xa hệ thống cấp nước mới cho khoan giếng tập trung dùng cho nhiều hộ và tính toán đầu tư xây bể chứa nước. “Đối với giải pháp nước sinh hoạt, cần có chương trình đầu tư riêng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhưng cũng phải đến năm 2025 mới giải quyết cơ bản và đến năm 2030 mới giải quyết xong bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và thích nghi có kiểm soát ở ĐBSCL”-ông Hiệp cho biết.

Ở ĐBSCL hiện nay, với tốc độ khai thác nước ngầm ngày một cao để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, trong khi nguồn nước bổ sung cho hệ thống nước ngầm đang suy giảm, thì khả năng “mặn hóa” các công trình cấp nước nông thôn cũng sẽ ngày một lớn hơn mỗi khi hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thiếu nước sinh hoạt sẽ xảy ra, nếu như thời tiết cực đoan như những tháng đầu năm 2020. Do đó, không chỉ hạn chế khai thác nước ngầm quy mô hộ gia đình, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương ven biển ĐBSCL cần tìm nguồn nước mặt để thay thế nước ngầm trong những tháng mùa mưa, nhằm bảo đảm dự trữ lượng nước ngầm đủ lớn để ngăn không cho nước mặn xâm nhập mỗi khi hạn hán gay gắt kéo dài.

Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG - AN XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khac-phuc-bat-cap-de-that-su-ben-vung-627377