Khắc phục bất cập để gạo Việt vươn xa

Hiện nay, gạo Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng sản phẩm như gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm...

Nhằm giới thiệu, quảng bá ngành sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam, chiều 10/10 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader (TRT), Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam. Đây là lần đầu tiên hội nghị gạo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hiện nay, gạo Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng sản phẩm như gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo đồ...

Không những thế, hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Đặc biệt, những tiến bộ trong sản xuất và cơ cấu giống, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ngoài nhóm giống cải tiến, năng suất cao đóng vai trò then chốt đã góp phần quan trọng trong tăng chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam như OM 4900, OM 6162, OM 6677, OM 6561, OM 6976…, những giống lúa thơm chất lượng cao nhằm phục vụ các phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan tâm hơn như các giống Jasmine 85, Nàng Hoa, ST 5, ST 20, OM 4900.

Hơn nữa, tỷ trọng các loại gạo có giá trị cao như gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm tăng dần và giảm dần tỷ trọng các loại gạo chất lượng trung bình và thấp.

Đặc biệt, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo cũng góp phần thúc đẩy tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Mặc dù gạo Việt đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận mặt hàng gạo của Việt Nam cần khắc phục và hoàn thiện việc nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, marketing, đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu.

Các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biến đến. Đây là những vấn đề cần được khắc phục trong thời gian tới.

Đây là lý do Bộ Công Thương lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam nhằm giới thiệu đến bạn bè quốc tế về hình ảnh gạo Việt đã có những bước phát triển về chất lượng, đa dạng hóa về chủng loại và có khả năng đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thống kê từ Bộ Công Thương, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng khá. Hiện, mức giá đã hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn. Giá xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm đạt 504,4 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Năm 2018, mục tiêu xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,5 triệu tấn với cơ cấu xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng tốt. Loại gạo thường IR50404 vẫn giữ tỷ lệ nhất định trong cơ cấu hàng xuất khẩu, song không quá 20%.

Khẳng định vị trí là một trong những mặt hàng tiêu biểu nhóm nông - lâm - thủy sản, tính đến hết quý III/2018, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gạo vẫn tăng trưởng tương đối khả quan. Nhiều giải pháp đã và đang được triển khai để đẩy mạnh xuất khẩu bền vững mặt hàng này.

Đáng lưu ý, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 đạt 443.000 tấn với giá trị 212 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng qua đạt gần 5 triệu tấn với kim ngạch 2,5 tỷ USD; tăng 8,5% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định: Xuất khẩu gạo duy trì xu hướng tích cực ngay từ đầu năm 2018 nhờ tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại.

Chẳng hạn như tại thị trường Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký được các hợp đồng giao cho Cơ quan mua bán lương thực Indonesia (Bulog) với số lượng lớn ngay từ các tháng đầu năm.

Hay tại thị trường Philippines ký được hợp đồng tập trung giao 130.000 tấn; thị trường Cuba ký được hợp đồng tập trung và thương mại giao 400.000 tấn. Công ty Liên doanh sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo (V.I.P) cùng Công ty CP Tập đoàn Tân Long khai thác tốt thị trường Iraq, Hàn Quốc; góp phần giúp cho xuất khẩu gạo tích cực cả về lượng và giá.

Ông Trần Thanh dự kiến: Năm 2018, xuất khẩu gạo sẽ đạt con số 3,2-3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường mặt hàng gạo. Do đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Tại Hội nghị, các diễn giả đã tập trung vào các vấn đề về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo; cơ chế chính sách quản lý điều hành xuất khẩu gạo; cơ cấu sản xuất gạo chất lượng và chiến lược phát triển thị trường gạo Việt Nam trong thời gian tới; vấn đề xây dựng phát triển thương hiệu gạo của các nước cũng như bài học cho Việt Nam; con đường tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị gạo toàn cầu của Việt Nam; thảo luận về cơ hội và thách thức đối với sản phẩm gạo Việt Nam trên con đường phát triển bền vững.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo ở châu Á và lợi ích mang lại cho Việt Nam, ông Martin Albani – Chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế - nhấn mạnh, hiện nay chúng ta phải thay đổi từ buôn bán hàng hóa sang thực hiện hoạt động makerting đối với hàng hóa đó. Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Trong đó, giai đoạn đầu tiên là đưa ra hình ảnh. Tiếp đó là phát triển thương hiệu. Việc đưa ra thương hiệu không chỉ tác động đến chủ thương hiệu, khách hàng mà còn tác động quan trọng đối với đối tác.

Đưa ra ví dụ cụ thể từ câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo từ Thái Lan, ông Martin Albani cho hay: Thái Lan luôn đưa ra phía trên của thương hiệu đó đó là chỉ dẫn địa lý, đây là yếu tố bảo hộ thương hiệu gạo của họ.

Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đầu tiên họ làm ở cấp quốc gia, sau đó, họ đưa hồ sơ lên EU, việc này giúp thúc đẩy xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Lan, giúp nâng cao giá bán so với sản phẩm thông thường.

Theo khảo sát, người tiêu dùng chấp nhận trả mức giá cao hơn gấp đôi so với sản phẩm thông thường để mua các sản phẩm có nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý. Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan là điều mà Việt Nam có thể học hỏi.

Đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam, ông Martin Albani cho rằng: Mục tiêu thương hiệu của khối khu vực tư nhân thì cần chọn sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm và các lợi ích của nhóm sản phẩm đó. Đối với khu vực công và nhà nước cần xác định mục tiêu phát triển của ngành gạo mà Việt Nam cam kết như tập trung vào chất lượng hay là các khía cạnh khác mà Chính phủ muốn thúc đẩy.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - một trong những doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chia sẻ: Thay vì đầu mùa vụ, nông dân phải tự trang trải nguồn giống và những vật tư nên Lực lượng 3 cùng của Tập đoàn sẽ hỗ trợ trong việc cung cấp nguồn giống chất lượng và ứng trước vật tư nông nghiệp đến tận nhà cho bà con.

Đồng thời, công ty đảm bảo đầu ra với mức giá được thỏa thuận đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Lộc Trời và hợp tác xã trước thời điểm thu hoạch. Khi hợp tác với Lộc Trời, nhờ lợi chi phí từ các vật tư ứng trước ban đầu dẫn đến giá thành sản xuất 1 kg lúa chỉ khoảng 2.700 đồng, trong khi giá bán trung bình là 5.000 đồng/kg. Lộc Trời cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam có sản phẩm được vinh danh Top 3 loại gạo ngon nhất thế giới.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: Hiện Tập đoàn đang đưa ra thị trường một sản phẩm mới là gạo Vibigaba - gạo thực phẩm bổ sung, được Bộ Y tế công nhận chất lượng và thành phần tương tự như một loại thực phẩm chức năng.

Cùng với việc đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này ở thị trường trong nước, cơ hội để xuất khẩu cũng tăng cao khi Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo vi lượng…

Dù tỷ suất lợi nhuận trên gạo đối với các sản phẩm này có thể không quá cao nhưng việc đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng đặc trưng sẽ giúp tăng vị thế gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/khac-phuc-bat-cap-de-gao-viet-vuon-xa/98377.html