Khác nào làm khó nhau...

Tới nay, vụ việc các cô giáo cơ sở mầm non Tuổi Thơ thị trấn Thanh Chương (Nghệ An) quỳ xin được tiếp tục dạy vẫn chờ giải quyết. Nhưng dù sao đi nữa thì việc đó vẫn làm dư luận hội nhức nhối.

Vì rằng, lỗi không phải do họ sai phạm trong việc chăm sóc trẻ nhỏ dẫn đến việc cơ sở mầm non này buộc phải đóng cửa. Cũng không phải do phụ huynh yêu cầu chính quyền phải đóng cửa do những sai phạm xảy ra, vì có sai phạm gì đâu. Vậy thì do đâu?

Tước bỏ quyền được lao động, quyền được hưởng thụ từ lao động chân chính là điều không thể. Cho nên, phải tìm cho ra nguyên nhân đóng cửa cơ sở mầm non này, điều đó chính quyền thị trấn, chính quyền huyện, ngành Giáo dục- Đào tạo Nghệ An không thể không làm. Ngược lại, phải làm sớm.

Về việc đóng cửa hoạt động của cơ sở mầm non Tuổi thơ, theo kết luận của đoàn thanh tra tỉnh Nghệ An, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và giáo dục Minh Sang (chủ đầu tư) có nhiều sai phạm và chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý.

Theo đó, công ty này bỏ ra 37 tỷ đồng để xây dựng cơ sở giáo dục này. Tuy nhiên, kể từ tháng 12/2016, chủ đầu tư đã tự ý thi công khi chưa có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền, và đã đưa vào hoạt động ngay khi 8 phòng học và các công trình phụ được thi công xong. Đáng chú ý, UBND thị trấn cũng đã chấp thuận cho cơ sở này thành lập hai nhóm trẻ tư thục. Cơ sở đã tuyển sinh 6 nhóm trẻ và 1 lớp mẫu giáo với tổng số 8 lớp với 215 cháu (quá quy định 115 cháu). Phòng GDĐT huyện cũng... cho qua.

Trong quá trình đó, việc xử lý vi phạm đến từ huyện và thị trấn cũng chỉ dừng lại ở các văn bản và quyết định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng mà không có bất kỳ hình thức xử phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả đối với việc thi công và hoạt động của cơ sở này.

Thế có nghĩa là sai... ở tận đâu đâu, còn các cô không sai. Đúng ra sai đâu xử đó, người nào sai thì xử người đó chứ không thể bỗng dưng “xử cả thể” khiến người lao động không biết trông dựa vào đâu.

Thực tế thì với các cơ sở mầm non khu vực nông thôn hoạt động khó khăn. Những người dạy, làm việc tại đó thu nhập thấp, nhiều quyền lợi không có, chỉ trông vào số tiền công được trả hàng tháng. Nếu họ bỗng dưng mất việc thì cũng không ai đứng ra bảo vệ vì cơ sở pháp lý thỏa thuận lao động của họ rất lỏng lẻo, phần lớn chỉ là giao kèo giữa hai bên. Một cơ sở mầm non nông thôn mở ra không dễ dàng gì và việc giải quyết lao động nông thôn cũng rất khó khăn. Chưa kể quyền được học hành vui chơi, chăm sóc của những đứa trẻ vốn đã chịu nhiều thua thiệt.

Mới đây, ông chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương cho biết, UBND huyện và thị trấn đã có phương án sắp xếp cho các em học sinh ở hai nhóm trẻ tư thục Tuổi Thơ theo học ở các trường trên địa bàn. Khi nào chủ đầu tư hoàn thiện các hồ sơ pháp lý sẽ xem xét hoạt động trở lại, không phải là dừng hoạt động vĩnh viễn.

Thôi thì cũng tạm yên tâm phần nào. Thế nhưng, ở góc nhìn khác, nhiều ý kiến cho rằng nếu trước sau gì cũng cho hoạt động trở lại thì sao không để cơ sở mầm non này tiếp tục hoạt động, trong khi đó chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện thủ tục. Vì rằng, rất có thể việc giải quyết quyền lợi giữa chủ đầu tư và các cơ quan liên quan sẽ kéo dài. Khoảng thời gian trống đó thiết nghĩ cũng không cần tạo ra làm gì. Khác nào làm khó nhau!

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/khac-nao-lam-kho-nhau-tintuc407474