Khác lạ phong tục ngày Tết ở xứ Thần Kinh

Huế- vùng đất được mệnh danh là chốn Thần Kinh- Là vùng Cố đô xưa nên phong tục đón Tết của dân nơi đây cũng có những nét đặc biệt, độc đáo khác nơi khác. Đến nay, người dân Huế vẫn còn giữ những phong tục đón tết khá độc đáo này.

Không thể thiếu chuối mật

Với người dân xứ Huế, lễ nghi thờ cúng là phần quan trọng nhất, được thực hiện rất trang nghiêm, bài bản, với sự kính cẩn, thành tâm. Ngay từ đầu tháng Chạp, những người phụ nữ trong gia đình đã tất bật chuẩn bị cho việc thờ cúng tổ tiên.

Những món đồ trong ngày tết, không thể thiếu sản phẩm của các làng nghề truyền thống của Huế như: hoa giấy Thanh Tiên, hạt nổ ngũ sắc,… món ăn thì có bánh chưng Nhật Lệ, bánh tét làng Chuồn đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Huế.

Quan trọng hơn cả vẫn là nơi thờ tự, thay cát trong bát hương trên bàn thờ gia tiên. Để thể hiện lòng thành kính, cát thay phải trắng tinh và mịn được lấy từ các làng quê ven biển. Các đồ thờ cúng như lư hương, chân đèn phải được đánh bóng.

Mâm quả của người Huế không nhất thiết phải là ngũ quả “Cầu-Sung- Dừa-Đủ-Xoài” theo quan niệm của người phương Nam, nhưng không thể thiếu nải chuối, gọi là chuối mật. Đây là loại chuối duy nhất mà người Huế dùng để thờ cúng tổ tiên trong dịp lễ tết.

Cỗ chay đón giao thừa

Vào thời khắc chuyển sang năm mới, người Huế tổ chức cúng giao thừa. Lễ vật cúng giao thừa được bày biện ở ngoài sân lẫn trong nhà và đều là cỗ chay. Mâm cúng ngoài trời là để đưa đón các vị Hành khiển, diễn ra trước lúc giao thừa ít phút (mỗi năm có một vị Hành khiển trông coi cõi hạ giới).

Đến lúc giao thừa, vị Hành khiển cũ ở hạ giới phải bàn giao chức trách cho vị Hành khiển mới đến từ thượng giới. Vì việc bàn giao và tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị Hành khiển chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Vì thế mà người Huế phải bày biện mâm cúng ngoài trời cho kịp thời gian của các vị Hành khiển.

 Mâm cỗ chay

Mâm cỗ chay

Lễ cúng trong nhà diễn ra vào đúng thời điểm chuyển sang năm mới là để cầu xin tổ tiên “phù hộ độ trì” cho con cháu trong gia tộc một năm mới may mắn, an khang.

Sáng sớm mồng Một Tết, nghi lễ đầu tiên là lễ cúng Nguyên đán. Đó là lúc người Huế làm lễ cúng chay trên bàn thờ tổ tiên. Lễ vật là trầm trà, mứt bánh… đơn giản nhưng tinh khiết. Sau lễ ấy, gia chủ mới mở cửa đón khách đến nhà thăm Tết.

Từ ngày mồng Một Tết trở đi, mỗi ngày phải cúng 3 lần, sáng – trưa – chiều trên bàn thờ tổ tiên. Ðến chiều mồng Ba Tết thì làm mâm cơm cúng đưa để tiễn ông bà về lại cõi trên. Chiều ngày mồng Bảy tháng Giêng, sau lễ hạ nêu thì một chu kỳ lễ Tết ở Huế mới tạm coi là hoàn tất. Gọi là tạm bởi vì sau lễ hạ nêu, người Huế vẫn phải thực thi nhiều lễ nghi khác như lễ cúng đầu năm,lễ dâng sao, lễ cúng rằm Nguyên tiêu…

Đi lễ chùa mùng 1 Tết

Mùa xuân đến mang theo bao niềm vui mới, mọi người dường như gắn bó với nhau hơn với những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới. Bởi vậy, sáng mồng 1 Tết họ thường chọn những người dễ tính hoặc trẻ con, làm người khách đầu tiên đặt chân vào nhà cùng với những lời chúc tốt đẹp gọi là người đạp đất. Họ quan niệm tất cả may rủi trong năm của gia chủ đều nhờ lộc của người khách đầu tiên này.

Đi lễ chùa đầu năm.

Ở Huế phong tục đi lễ chùa sáng ngày mồng 1 Tết đã có từ lâu, kể cả những người không theo đạo Phật. Đi lễ chùa lạy Phật, vãn cảnh chùa, gặp gỡ và đàm đạo với các vị sư đó là ta tìm đến sự tịnh tâm an lành trong cuộc sống chứ không phải cầu tài cầu lộc. Để cho con người thấy lòng nhẹ nhàng thanh tịnh, tâm hồn hướng thiện, sống từ bi hỷ xả đó chính là đạo lý sống của người Huế.

Q. Nhã (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/khac-la-phong-tuc-ngay-tet-o-xu-than-kinh-490881.html