Khắc khoải làng gốm trăm năm tuổi

(QNĐT)- Sau nhiều cố gắng của các cấp, ngành chức năng, nghề truyền thống sản xuất gốm đất (gốm không men) ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ cũng đã được tỉnh công nhận. Tuy nhiên, thực tế thì nghề gốm ở đây đang đứng trước cửa tử vì chỉ còn vài hộ gia đình duy trì sản xuất.

* Lửa tắt lò nung nguội

Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu nghề gốm ở xã Phổ Khánh, người đàn ông ngồi cạnh bàn trong quán Cà phê tại khu vực Chợ Chiều, nơi từng là “thủ phủ” của làng gốm Chợ Chiều – Giếng Thúy vang danh một thuở, đã mượn ý thơ của cố thi sỹ Vũ Hoàng Chương đọc hai câu thơ: “Em ơi lửa tắt lò nung nguội/ Làng gốm bây giờ cảnh đìu hiu”.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết: Gia đình ông có nhiều đời gắn bó với nghề gốm đất, nhưng đến ông thì phải chia tay vì không sống được với nghề. Vợ chồng ông phải vào TP. Hồ Chí Minh bán mỳ gõ kiếm tiền lo cho các con ăn học và vừa trở về quê cách đây vài hôm để dự lễ cưới của người cháu họ.

Đến giờ, ông vẫn còn nhớ cái mùi hăng của đất sét và cảm giác lâng lâng khi đón nhận những sản phẩm gốm mới ra lò, nhưng đành chịu. Bởi vì, “chẳng có cái gì tồn tại mãi nếu không thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội” – ông triết lý.

Hiện chưa có tư liệu xác đáng nói đến nghề gốm không men ở Phổ Khánh được bắt đầu từ bao giờ và ông tổ của nó là ai. Theo các cụ cao niên thì nghề gốm ở đây bắt đầu vào khoảng đầu thế kỷ XVIII do những cư dân Bắc Hà trốn vào Nam theo chúa Nguyễn mở mang, khai phá đất phương Nam.

Trải qua bao biến cố thăng trầm, nghề gốm đã ngấm vào máu thịt của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Có thời điểm, làng gốm phát triển cực thịnh với hàng trăm gia đình làm nghề. Sản phẩm chủ yếu là vò, nồi, niêu, ấm, muỗng chứa đường, khuôn đúc bánh xèo, chậu trồng hoa…

Nhưng sau năm 1986, thời kỳ đổi mới, nghề gốm ở đây ngày càng mai một do sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với đồ gia dụng được làm bằng những loại vật liệu khác. Hiện tại thì chỉ còn khoảng mươi hộ gia đình tham gia sản xuất gốm đất. Trong đó, chỉ có hai hộ hoạt động thường xuyên với thời gian từ 5 – 8 ngày cho ra lò một mẻ sản phẩm. Những hộ còn lại chỉ hoạt động cầm chừng với thời gian trên 15 ngày thậm chí là hơn cả tháng mới nổi lửa đốt lò.

Chị Mai Thị Hồng Chuyện bên chiếc lò nung hơn 1 tháng mới nổi lửa.

Chị Mai Thị Hồng Chuyện, chủ một lò gốm cho biết: Do không đủ điều kiện thuê mướn nhân công nên hai vợ chồng phải lần hồi cả tháng mới được một mẻ gốm. Và đến mùa mưa thì nghỉ vì lò nung thô sơ nên không thể hoạt động. Vì vậy mà thu nhập bình quân cũng chỉ ở mức gần 3 triệu đồng/tháng.
Riêng bà Võ Thị Chi, sau hàng chục năm làm chủ, cũng phải chấp nhận phá bỏ lò nung để đi làm công với mức thu nhập mỗi ngày 50.000 đồng. “Thấy nghề của ông cha bị mai một, những người có tuổi như tui đau lòng lắm nhưng cũng đành chịu thôi chú à!” – bà chua xót.

* Vang danh một thuở

Ông Phạm Kim Oanh – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh, người đã có nhiều năm gắn bó với nghề gốm cho biết: Gia đình ông bắt đầu sản xuất gốm đất từ đời cụ cố nội cho mãi đến thế hệ của ông. Theo lời của cha ông kể lại, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nghề gốm ở đây phát triển rất mạnh. Cứ đến mùa gió nồm thì cụ nội của ông cùng những thương buôn khác chuyển gốm bằng ghe bầu chạy buồm ra Huế, Quảng Bình, có khi đến tận Nam Định để bán.

Bà Võ Thị Chi đang tạo dáng (chuốt) sản phẩm.

Đến mùa gió bấc thì sản phẩm được tiêu thụ vùng Biên Hòa, Sài Gòn và có khi qua tận Campuchia cũng qua việc vận chuyển bằng ghe. Nhờ đi nhiều nơi nên cụ đã học hỏi kỹ thuật lắp ráp chiếc xe cải tiến đầu tiên trong vùng để vận chuyển sản phẩm vượt hơn 20km đường bộ vào tận Bồng Sơn – Bình Định để bán và trao đổi nông sản.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nghề sản xuất gốm đất bước vào thời kỳ cực thịnh. Khi đó, trên địa bàn xã Phổ Khánh có hàng trăm hộ sản xuất gốm đất, chủ yếu là ở hai thôn Vĩnh An và Trung Sơn. Lúc bấy giờ, sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Tư thương ra vào tấp nập. Và cũng từ đó, gốm đất Phổ Khánh nổi danh với tên gọi làng gốm Chợ Chiều – Giếng Thúy.
Những người thợ cuối cùng

Bà Trần Thị Tiệm đã bước sang tuổi tám mươi với gần 60 năm gắn bó cùng nghề gốm nhưng hàng ngày vẫn cặm cụi bên những nồi, trách, ấm, chậu trồng phong lan… mặc cho con cháu hay la rầy vì sợ bà ngã bệnh. Chỉ sau vài phút nạo lớp đất bên ngoài, chiếc nồi trong tay của bà đã nhẵn trụi, trông rất bắt mắt. Gia đình bà đã có nhiều đời gắn bó với nghề gốm đất.

Cụ bà Trần Thị Tiệm đang nạo đất làm nhẵn sản phẩm.

Và cũng nhờ cái nghề lắm vất vả này mà bà đã nuôi các con nên người. Đến bây giờ thì bà không thể rời xa nó, cứ hôm nào nghỉ việc chân tay lại rã rời. “Đời của tui bị nhiễm bùn đất rồi, không thể xa được cái nghề này chú à!” – bà nói.
Tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, con trai bà Tiệm là anh Lê Văn Trung cũng đã có 34 năm gắn bó với nghề và hiện là một trong hai chủ cơ sở còn duy trì sản xuất đều đặn. Công việc của anh được bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng và kết thúc vào lúc tối mịt.

Để có được một sản phẩm gốm phải trải qua trên 10 công đoạn với việc đánh vỡ những tảng đất lớn, phơi khô, đưa vào máy nghiền, tách lấy bột đất, cho nước vào đất và nhồi nhuyễn, tạo dáng sản phẩm (chuốt), làm láng… và cuối cùng là đưa vào lò nung.

Nguyên liệu đun là củi gỗ được khai thác ở những ngọn núi lân cận. Trung bình thì 6 ngày anh cho ra lò một mẻ với hàng ngàn sản phẩm lớn nhỏ. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày vợ chồng anh cũng kiếm được khoảng 400.000 đồng cả công lẫn lãi.

Bà Trần Thị Phận, người đã có 35 năm làm công cho các chủ lò gốm cho biết: Bắt đầu công việc một ngày từ lúc tờ mờ sáng cho đến khi tối mịt. Thu nhập hàng ngày được tính theo sản phẩm với mức từ 50.000 – 80.000 đồng/người. Vào mùa nắng thì công việc đỡ vất vả hơn chứ nếu gặp mưa thì không có thời gian nghỉ ngơi ăn bữa trưa. Do công việc khá vất vả, lại phải luôn tiếp xúc với bùn đất cộng với thu nhập ít ỏi nên lớp thanh niên đã chọn những công việc khác chứ không tiếp nối nghề truyền thống của cha ông.

Sản phẩm mới ra lò.

Anh Nguyễn Tấn Hợp (28 tuổi) là người trẻ tuổi nhất còn gắn bó với nghề gốm. Bên cạnh việc quản lý cơ sở sản xuất gốm do cha mẹ chuyển giao với 5 – 10 lao động, tùy từng thời điểm, anh còn trực tiếp tham gia sản xuất. Những lao động làm công cho anh đều đã bước qua tuổi ngũ tuần nên năng suất lao động và tính sáng tạo không cao.

Anh cũng đã đầu tư hàng chục triệu đồng để cải tiến máy móc, cất công đến học hỏi kỹ thuật ở làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) và nhiều cơ sở sản xuất gốm sứ ở tỉnh Bình Dương nhưng vẫn không hiệu quả. Nguyên nhân là do chất liệu khác nhau và có lẽ… họ còn giữ bí quyết cho riêng mình cũng nên? – anh nói.

Ông Trương Minh Long, người đã có hơn 30 năm buôn bán sản phẩm gốm đất cho biết: Sau năm 1975, do ruộng đất quá ít và mỗi năm cũng chỉ cấy được một vụ vì không có nước tưới, nên hầu hết người dân ở đây đều sống phụ thuộc vào nghề gốm. Ngoài việc bán cho thương lái, sản phẩm làm ra còn được người dân chuyển đến các vùng lân cận để đổi lấy nông sản. Thay vì bận rộn như lúc trước thì giờ đây ông hay tản bộ thăm hỏi những chủ lò gốm khi xưa để hồi tưởng về “thời huy hoàng” của làng nghề.

Ông Phạm Kim Oanh – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh dự kiến: Nếu được cấp trên hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật thì chúng tôi sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu và khu sản xuất tập trung để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Làng gốm rồi sẽ nhộn nhịp như xưa. Lúc đó, tui sẽ điện thoại mời chú về chơi thăm làng gốm cho biết.

Cảm ơn ông Oanh! Tôi đang chờ đợi từng ngày để được nghe điện thoại của ông!

Trang Thy

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/201103/khac-khoai-lang-gom-tram-nam-tuoi-1981625/