Khắc khoải Hoàng Sa…

47 năm trôi qua, Hoàng Sa vẫn yên vị trong từng thớ ký ức của ông Trần Hòa (66 tuổi, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), dù ông chỉ làm nhiệm vụ ngoài đó có 3 tháng.

Ông Hòa và cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN THỌ

Ông Hòa và cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN THỌ

"Mới tháng trước mình cứu cả gia đình của họ mà..."

Tôi nhấc máy gọi cho ông Trần Hòa, một cựu binh Hoàng Sa mà tôi gặp lần đầu tiên khoảng 5 năm trước. Người đàn ông tuổi 66 vẫn luôn nhớ về thời 21 đẹp đẽ của mình. Những ngày này, trong ông duềnh lên bao nỗi niềm về Hoàng Sa.

Tháng 9/1973, ông lên đường ra Hoàng Sa, với nhiệm vụ là chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho sĩ quan, binh lính Trung đội Hoàng Sa và các sinh viên khí tượng trên đảo. Nhiệm vụ của ông sẽ kéo dài đến tháng 12/1973.

“Khi ấy, tôi quan sát chưa thấy có sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc. Sau đó mới biết, tàu chiến Trung Quốc ngụy trang bằng tàu cá” - ông Hòa nhớ lại. Những ngày ở Hoàng Sa, ông có 2 kỷ niệm đối với tàu của người Trung Quốc. Lần đầu, là bắt tàu Trung Quốc xâm nhập đảo Hoàng Sa trái phép; lần 2, là cứu cả một gia đình 3 thế hệ người Trung Quốc.

Vài ngày sau khi đến Hoàng Sa, trung đội phát hiện một người Trung Quốc dùng thuyền nhỏ vào chân đảo Hoàng Sa để đánh cá; phía ngoài xa, là chiếc tàu lớn đang thả neo có 7 người trên đó. Và khi những người này bị đồng đội của ông Hòa khống chế, mới lòi ra đó là toán lính và tàu chiến Trung Quốc đội lốt ngư dân. Rồi đến cuối năm 1973, Hoàng Sa nổi bão, ông Hòa và đồng đội cứu 1 gia đình 3 thế hệ có 5 người Trung Quốc.

Vậy mà mười mấy ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền, ông Hòa nghe tin Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa. Nhận tin ấy, anh em trong này ai cũng buồn rười vì đồng đội của mình ngoài kia đã hy sinh bởi sự lật mặt của Trung Quốc. "Mới tháng trước, mình không ngại hiểm nguy cứu cả gia đình người Trung Quốc giữa bão bùng mà..." - giọng ông Hòa như lơi đi.

Khắc khoải tiếng chim cuốc

"Nghe tin mình sẽ mở trận đánh nhằm chiếm lại Hoàng Sa, anh em ai cũng hăng hái đăng ký. Tiếc là kế hoạch đó bị hủy” - ông Hòa nhớ lại.

Những diễn biến sau đó, càng khiến nỗi nhớ của ông về Hoàng Sa thêm khắc khoải. Mà khắc khoải nhất, là những lần ông nghe tiếng chim cuốc kêu. Hồi mới ra Hoàng Sa, nghe tiếng chim cuốc mà nhớ nhà. Giờ ông ở nhà, nghe tiếng chim cuốc mà thương nhớ đảo khôn nguôi.

Chăm sóc cây cảnh là cách để ông Hòa vơi bớt nỗi nhớ Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN THỌ

"Hoàng hôn vừa trùm lên đảo, bỗng tiếng con chim cuốc trong rừng bàng kêu lên từng hồi, tạo cảnh kẻ ở người về buồn man mác, tiếng cuốc kêu sao da diết nhớ thương... Ba tháng rồi cũng trôi qua, con tàu CHÍ LINH 11 đón chúng tôi về lại đất liền. Buổi chiều di chuyển ra tàu, con chim cuốc trong rừng bàng lại kêu lên từng hồi ảo não như nhắn nhủ hãy nhớ về lại với Hoàng Sa... Hôm nay đi giữa quê, nghe tiếng con chim cuốc kêu, bỗng nhớ đến tiếng chim cuốc ngày nào ở đảo Hoàng Sa...” - ông Hòa trải lòng trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng thực hiện.

Chỉ 3 tháng làm nhiệm vụ ở đảo, mà 47 năm qua, chưa khi nào tiếng chim cuốc rời khỏi tâm trí ông Hòa. Nhiều khi sự lặng im tưởng chừng đã quên, nhưng rốt cuộc, đó là sự nén lại, và vỡ òa khi nghe những thanh âm quen thuộc. Những khi ấy, ông Hòa ngồi với ký ức, nhớ lại lúc cùng đồng đội câu cá ăn, hay những ban đêm đi lấy trứng vích để cải thiện bữa ăn. "Bây giờ, ngồi nhớ lại cái thời ấy, muốn được trở lại Hoàng Sa quá”- ông Hòa tâm sự.

Xuân Thọ

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/van-hoa/khac-khoai-hoang-sa-164204.html