Khắc khoải dòng tranh Thập vật

Lâu nay, những giá trị lịch sử, văn hóa chứa đựng trong tranh dân gian luôn đóng vai trò phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Tiếc là khi xã hội đổi thay, nhiều dòng tranh dân gian không tránh khỏi sự mai một, trong đó có tranh Thập vật.

Tìm hiểu gốc rễ giá trị tranh Thập vật

Đây là dòng tranh nghe khá lạ tai - loại tranh phổ biến trong các chùa vùng Bắc Bộ trước những năm 1960, thể hiện nét tâm linh một thời của người Việt: thân nhân của người đã mất lo chu toàn cho đời sống của họ ở thế giới bên kia sao cho có đủ trang phục, vật dụng hằng ngày, thậm chí có cả con vật để cưỡi và lính hầu để mà ngao du thiên đường hay dưới các tầng âm ty. Nói cách khác, tranh Thập vật là dạng tranh dân gian nhưng khác ở chỗ chỉ có nội dung thuộc về tâm linh, chứ không có dạng tranh treo chơi như các dòng tranh dân gian mà ta thường biết. Loại tranh này chỉ dùng để đốt khi cúng.

Tự bao giờ chẳng rõ, tranh Thập vật được in ra từ các chùa làng Việt khắp châu thổ Bắc Bộ. Có lẽ cách đây mấy thế kỷ, khoảng suốt từ thời Lê - Trịnh qua Nguyễn đến Pháp thuộc... là thời thịnh trị nhất của loại tranh này. Có một truyền thống đã bắt rễ lâu bền của người Việt mà ta vẫn gọi là đưa cụ lên chùa, nghĩa là sau khi chôn cất thì con cháu đưa vong linh của người đã khuất lên chùa qua lễ cầu cúng của các vị sư. Và có lẽ tranh Thập vật là biểu hiện phái sinh dạng vật chất của truyền thống này.

Tranh Thập vật thường nép mình trong khổ nhỏ, chỉ rộng khoảng bằng 1-2 bàn tay.

Tranh Thập vật thường nép mình trong khổ nhỏ, chỉ rộng khoảng bằng 1-2 bàn tay. Cách biểu đạt thì tối thiểu: chỉ in có mỗi nét màu đen trên giấy. Tranh được khắc rồi in nét đen trên giấy dó hay giấy bản, mang về khấn và đốt cho người đã khuất ở thế giới bên kia là xong. Mỗi bức tranh đều có một câu chuyện của riêng mình, nhưng đều thể hiện nhân sinh quan của người Việt xưa. Soi vào đó, người thưởng ngoạn thấy được tư duy mỹ cảm, thấy hồn dân tộc, thấy cả một lịch sử tranh dân gian đã từng phát triển rực rỡ.

Chính vì bị “ép” trong khuôn tối thiểu mà các tác giả ngày xưa của tranh Thập vật phải vắt óc ra để nghĩ cách làm sao cho tranh này vẫn hấp dẫn và đạt được nội dung tối đa. Thế giới tâm linh mênh mông và huyễn hoặc, không thể nào đơn điệu, giản lược và lúi xùi, và làm sao thì cảnh giới phiêu lãng này vẫn luôn hấp dẫn những người đang sống.

Tranh Thập vật chỉ bị triệt bỏ và dần rơi vào quên lãng kể từ thập niên 60 của thế kỷ XX do quyết tâm diệt mê tín dị đoan của chính quyền, cũng là do các chuyển biến về tín ngưỡng của dân Việt, đồng thời với sự khấm khá dần về đời sống kinh tế và văn hóa của đa số dân nghèo... Trải qua chặng đường dài lịch sử thịnh - suy - hưng - vong,... tranh Thập vật vẫn chưa tuyệt diệt. Nay, khoảng đầu thế kỷ XXI, một số người làm công tác văn hóa, nhất là các họa sĩ và các nhà nghiên cứu mỹ thuật dần dà nhận ra vẻ đẹp nghệ thuật và tình cảm tâm linh của tranh Thập vật. Tuy nhiên, ngày nay giới trẻ gần như không biết đến tranh Thập vật và gần như dòng tranh này chỉ tồn tại một cách yếu ớt trong những triển lãm tranh truyền thống dịp gần Tết.

Làm thế nào để hồi sinh?

Trước sự mai một của các dòng tranh dân gian nói chung, tranh Thập vật nói riêng, nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn của các đơn vị, cá nhân tâm huyết đã được triển khai, góp phần tôn vinh giá trị và đưa tranh dân gian đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để hoạt động này đạt hiệu quả bền vững, cần phải có một giải pháp đồng bộ, đặc biệt là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tích cực để bảo tồn di sản này.

Với sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội, sự du nhập của nhiều loại tranh, ngày nay tranh dân gian dần mất đi vị trí trang trọng trong những ngôi nhà hiện đại. Mặt khác, thú chơi tranh dân gian ngày Tết cũng ngày một bị lãng quên. Vì vậy, để tranh dân gian sống được trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, cần quảng bá đưa tranh dân gian thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn người dân và du khách. Đặc biệt là khi mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhà nhà lại tìm mua tranh treo Tết hay làm quà cho bạn bè, người thân.

Bên cạnh đó, việc truyền dạy, truyền nghề và kế nghiệp các nghệ nhân đã, đang và vẫn sẽ là những thách thức không nhỏ của công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa, trong đó có tranh dân gian. Theo PGS.TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế: “Ngay từ bây giờ phải đẩy mạnh công tác sưu tầm, bảo tồn kỹ thuật làm tranh dân gian và có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho các nghệ nhân còn sống để họ truyền nghề cho thế hệ trẻ...”.

Có thể nói, để tranh dân gian sống được trong cuộc sống hiện đại, các nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa cần đưa tranh dân gian thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn người dân và du khách.

Việt Sơn

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/khac-khoai-dong-tranh-thap-vat-n139562.html