Khắc khoải 'ao làng' của nhà vô địch thế giới Trần Đình Nam

Từng vô địch thế giới, vô địch châu Á và vừa vô địch ASIAD môn Pencak Silat nhưng Trần Đình Nam lại chưa từng lên ngôi tại SEA Games, đấu trường có tầm vóc nhỏ hơn rất nhiều.

Trần Đình Nam ăn mừng tấm HCV ASIAD 2018

Biển lớn bơi được nhưng chết đuối tại ao làng

Tại ASIAD 2018, Trần Đình Nam là một trong hai VĐV Pencak Silat mang về HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong trận chung kết hạng cân 70-75kg, Nam xuất sắc đánh bại võ sĩ người Malaysia Fauzi Mohd Khalid với tỉ số áp đảo 5-0. Một chi tiết đặc biệt, Fauzi Mohd Khalid chính là người đã vượt qua Nam trong trận chung kết SEA Games 2017. Đáng nói hơn, Nam thất bại không phải do trình độ thấp hơn mà do bị trọng tài thiên vị và một phần tâm lý.

“SEA Games 2015 ở Singapore tôi cũng thua 1 VĐV nước chủ nhà ở trận chung kết. Nói trọng tài xử ép cũng đúng nhưng không phải là tất cả nguyên nhân. Đánh giải thế giới tôi thắng những đối thủ này thường xuyên nhưng về SEA Games lại thua. Bản thân tôi thường có dấu hiệu căng cứng khi đọ sức với các VĐV chủ nhà, trước trận tâm trạng bồn chồn, hồi hộp, từ đó dẫn tới các đòn đánh không chuẩn hoặc thiếu lực. Đúng là biển lớn bơi được nhưng chết đuối tại ao làng”, Nam chia sẻ.

Nhắc đến sự nghiệp của Trần Đình Nam, việc “chết đuối tại ao làng” không phải là điểm đặc biệt duy nhất. Từ nhỏ, Nam đã có năng khiếu thể thao, nhất là bóng chuyền. Năm 2009, Nam thi tuyển vào đội bóng chuyền Hải Dương nhưng không đỗ. Khi đó, một vị lãnh đạo Trung tâm TDTT Hải Dương nhìn ra được Nam có tố chất phù hợp với Pencak Silat nên “bảo lãnh” cho Nam tập Pencak Silat. Từ đó đến nay, Nam gắn bó với môn võ này nhưng không quên môn thể thao ước mơ từ tấm bé. Thời gian rảnh rỗi, Nam vẫn cởi giáp, mặc quần đùi áo phông ra sân đánh bóng chuyền.

Trở lại với tấm HCV ASIAD 2018, việc đụng Fauzi Mohd Khalid ở chung kết đã được anh dự liệu từ trước. Khi đối thủ này không còn lợi thế sân nhà, việc Nam giành chiến thắng là điều không thể khác. Tuy nhiên, hành trình tiến đến ngôi vô địch của Nam không phải toàn hoa hồng. Trận đấu tại vòng 1/8 với võ sĩ Thái Lan, do biết đại diện Việt Nam bị đau vai nên đối thủ ra sức tấn công vào điểm này. “Đó thực sự là trận đấu khó khăn nhất của tôi ở giải năm nay. Tôi giành chiến thắng nhưng đau vai đến mức không cử động được. Cũng may sau đó nhờ sự chăm sóc của các bác sĩ nên tôi vẫn đủ sức khỏe thi đấu”.

Nhờ vợ mới đạt HCV ASIAD

Đằng sau sự thành công của mỗi người đàn ông đều có bóng dáng một người phụ nữ. Với một VĐV, điều này càng đúng. Trò chuyện với chúng tôi, Nam cho biết, nếu không nhờ nguồn động viên tinh thần đến từ vợ - chị Trang, anh chưa chắc đã theo được nghiệp Pencak Silat đến ngày hôm nay. “9 năm qua, từng có không ít lần tôi có ý định từ bỏ nghiệp ra ngoài làm việc khác vì thể thao nghèo quá. Đó là chưa kể những chấn thương liên miên. Nặng nhất là năm 2012, tôi chấn thương cổ chân phải phẫu thuật. Phẫu thuật xong thì chân không còn linh hoạt được như trước nên rất chán nản. Nhưng nhờ vợ luôn chăm sóc, khích lệ, tôi đã phấn chấn trở lại”.

“Con muốn được lên ti vi như bố”

Trần Đình Nam kết hôn năm 2015 và hiện đã có một cậu con trai 3 tuổi tên Trần Nhật Minh. Sau ASIAD 2018, Nam xuất hiện khá nhiều trên truyền hình, mỗi lần như vậy, Nhật Minh lại nói “con muốn được lên tivi như bố”. Khi được hỏi có ý định hướng con theo nghiệp thể thao, Nam cho biết sẽ chiều theo sở thích và năng khiếu của con chứ không ép theo nghiệp bố nếu con không muốn.

“Hôm tôi bị đau sau vai khi đánh với đối thủ Thái Lan ở ASIAD, gọi video về nói chuyện với vợ tôi cố giấu nhưng không hiểu sao vợ tôi lại biết. Cô ấy nói tôi từng vượt qua nhiều chấn thương nặng hơn nhiều, chẳng có lý do gì để không đứng dậy tiếp tục chiến đấu. Con trai ngồi cạnh tuy chưa hiểu biết nhiều nhưng cũng ra dấu hiệu động viên bố cố lên. Nhìn thấy vậy, tôi quên cả đau đớn”, Nam nói thêm.

Thi đấu ở nước ngoài, nhất là ở những nước theo đạo Hồi, vấn đề ăn uống rất quan trọng với VĐV. Sợ chồng không quen thức ăn bản địa, chị Trang đã chuẩn bị rất nhiều thực phẩm như mỳ tôm, xúc xích, thịt hộp, mắm tép... để chồng mang theo trước ngày lên đường. Cũng may nhờ sự chu đáo của vợ nên những bữa cơm trưa của Nam được ấm bụng hơn. “Ở làng VĐV đồ ăn ngon và rất đa dạng để lựa chọn, hoa quả cũng nhiều. Nhưng tại các điểm thi đấu thì chỉ có đồ ăn kiểu Indonesia, cực kỳ khó ăn. Vì phải thi đấu hoặc cổ vũ đồng đội cả ngày nên chúng tôi thường mang theo đồ ăn chuẩn bị từ Việt Nam. Lúc đó ăn sao mà ngon thế. Ngon thì ngon nhưng tôi vẫn nhớ những món ăn vợ nấu, đặc biệt là món cá hấp. Ngay trong đêm trở về Việt Nam, vợ tôi đã chuẩn bị một con cá hấp to để giúp tôi thỏa cơn thèm”.

Với tấm HCV ASIAD 2018, Nam nhận được một số tiền thưởng kha khá. Anh dự tính dùng để trang trải chi phí học tập ở trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh), để dành một phần và một phần mang về biếu bố mẹ. Nhắc đến bố mẹ, Nam tiết lộ, chính hai bậc sinh thành đã xây cho anh những viên gạch đầu tiên để phát triển sự nghiệp. “Bố mẹ tôi ở nhà chỉ làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng lại rất mê thể thao. Tôi nhớ ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần hội làng có thi đấu bóng chuyền hay vật, bố mẹ đều đưa tôi đi xem. Vì mê thể thao nên bố mẹ tôi quyết tâm hướng tôi theo nghiệp thể thao và luôn ủng hộ tôi”.

Thanh Hà

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khac-khoai-ao-lang-cua-nha-vo-dich-the-gioi-tran-dinh-nam-d272748.html