Khác biệt trong cách thưởng thức trứng vịt lộn ở ba miền

Người Hà Nội thường ăn trứng vịt lộn luộc vào buổi sáng, trong khi người Sài Gòn biến tấu trứng vịt lộn nướng, xào me ăn vào xế chiều.

Ở Hà Nội, trứng vịt lộn luộc là món ăn phổ biến vào mỗi sáng. Người ta có thể ăn 1-2 trứng lộn như món sáng tương tự phở, xôi, bánh cuốn, bánh giò... Trứng vịt lộn luộc chín, khi ăn bóc vỏ, cho trứng vào chén nhỏ, thêm rau răm, vài lát gừng thái sợi. Món ăn nhiều đạm có vị béo của trứng hòa vị cay nồng của rau răm làm kích thích vị giác ngày mới. Ảnh: Di Vỹ

Cũng ở Hà Nội, du khách có thể thưởng thức bún riêu cua, bún ốc ăn kèm trứng vịt lộn, cách ăn này có biến tấu so với tô bún truyền thống. Phần bún đầy đặn với sợi bún cọng nhỏ, bên trên là ốc, đậu phụ chiên, sườn sụn, giò tai, cà chua, hành lá... Riêng trứng vịt lộn khách có thể nhờ chủ quán lột vỏ để sẵn trong tô hoặc để riêng ngoài chén ăn theo ý thích. Ảnh: @popolulu.vietnam

Ở Hải Phòng hay Hà Nội cũng có cách ăn trứng vịt lộn hầm ngải cứu và tiết. Đầu bếp chọn lá ngải cứu xanh non rửa sạch. Trứng vịt lộn được luộc chín trước khi đem hầm với lá ngải cứu trên bếp chừng 2-3 giờ là có thể ăn được, gia vị đi kèm là gừng được cạo vỏ, rửa sạch cắt sợi. Ăn món này không thể thiếu măng ngâm chua tạo cảm giác đỡ ngấy, thực khách có thể thêm tương ớt hoặc tắc (quất) để tăng gia vị. Ảnh: Di Vỹ

Tại Quảng Ngãi, don sau khi cào về được ngâm sạch bùn, rửa sạch rồi cho vào nồi nấu đãi lấy phần ruột, còn nước luộc được nêm gia vị vừa ăn. Người bán cho hành tây cắt mỏng, hành lá cắt khúc vào tô rồi múc nước luộc, thêm thịt don, tiêu xay nhuyễn là đã có phần ăn bắt mắt phục vụ thực khách. Món ăn nóng với bánh tráng nướng và trứng vịt lộn, thực khách sẽ cảm nhận hương vị ngọt dịu, đậm đà từ don, vừa có vị béo trứng vịt và cay nồng từ hành, tiêu, sa tế ăn kèm. Ảnh: @tllsnkr/Instagram

Ở các tỉnh thành phía Nam, trứng vịt lộn được luộc chín ăn kèm rau răm chấm muối tiêu chanh. Khác với miền Bắc, trứng vịt lộn luộc miền Nam được đặt trên chung nhỏ, đập vỏ ăn dần. Người bán chế biến thêm các món sốt me, nướng muối ớt, bọc khoai môn chiên giòn để đổi vị. Với cách làm này, vị của món ăn phụ thuộc nhiều vào khâu nêm nếm chua ngọt, cay nồng, đậm đà tùy theo sở thích khách hàng.

Các tỉnh thành miền Tây có đa dạng các món lẩu, trứng vịt lộn cũng được thêm vào như một thành phần chính. Một số người để trứng vịt lộn sống, lắc đều rồi đập vỏ cho vào nồi lẩu, nước dùng thêm thanh ngọt hơn. Tuy nhiên có người sẽ nấu chín trứng, khi ăn chỉ cần đập vỏ cho vào nồi làm nóng là dùng ngay. Một số món lẩu thường ăn cùng hột vịt là lẩu bò, lẩu gà tiềm thuốc Bắc, lẩu riêu cua đồng... Ảnh: @kitaleekt

Đến vùng bảy núi An Giang, thực khách dễ thưởng thức tô bún cá có kèm trứng vịt lộn. Phần bún bắt mắt với màu vàng của thịt cá lóc sau khi xào với nghệ, vài cọng quế xanh và thêm trứng vịt lộn điểm tô. Dọn ra trước mặt, mùi thơm của bún xộc thẳng lên mũi, món ăn nóng hổi, nước dùng đậm đà khiến thực khách không khỏi xuýt xoa. Ảnh: Di Vỹ

Nguồn Khỏe 365: https://khoe365.nguoiduatin.vn/khac-biet-trong-cach-thuong-thuc-trung-vit-lon-o-ba-mien-76388.html