Khác biệt hệ thống nhận diện địch-ta khiến Il-20 bị bắn

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, do khác biệt về hệ thống nhận diện địch-ta nên S-200 Syria không phân biệt được chiếc Il-20 và F-16 Israel.

Israel kêu oan

Tuyên bố của Tướng Igor Konashenkov được đưa ra khi Bộ Quốc phòng Nga công bố những thông tin chi tiết về nguyên nhân khiến chiếc trinh sát cơ Il-20 bị phòng không Syria bắn nhầm hôm 17/9 khiến 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Vị phát ngôn viên này cho biết, hệ thống phòng không Syria đã cài đặt hệ thống nhận dạng địch-ta khác với hệ thống của Nga. Do đó, chúng khó có thể phân biệt được giữa máy bay Il-20 Nga và F-16 của Israel trong tình huống cần bắn hạ.

Đồ họa mô phỏng tình huống trước khi xảy ra sự cố.

Đồ họa mô phỏng tình huống trước khi xảy ra sự cố.

Và trong khi đang gặp khó khăn để phân biệt máy bay cần bắn hạ, người Israel đã dùng sự láu cá của mình khi mượn chiếc trinh sát cơ cỡ lớn của Nga làm tấm bình phong chắn quả đạn của hệ thống S-200 do phòng không Syria bắn lên. Và hậu quả là thảm kịch đã xảy ra.

Không những vậy, Nga còn đưa ra nhiều chi tiết chứng minh, chính Israel phải chịu trách nhiệm về vụ Syria bắn nhầm này. Mặc dù vậy, Bộ Quốc phòng Israel (IDF) ngay lập tức lên tiếng kêu oan.

IDF cho biết trong một thông báo: "Không quân Israel (IAF) không núp sau bất cứ máy bay nào và các chiến đấu cơ của Israel đã trở về không phận Israel vào thời điểm máy bay Nga bị bắn hạ".

Tuyên bố này nhằm phản đối kết luận của Nga rằng chiến đấu cơ F-16 Israel chỉ rời khu vực khoảng 10 phút sau khi nhận thông tin về sự việc.

Bên cạnh đó, Israel cho biết họ đã gửi cảnh báo tới Nga theo đúng khung thời gian mà hai phía đã thống nhất kể từ khi thiết lập cơ chế phối hợp để tránh va chạm giữa máy bay Nga-Israel từ tháng 9/2015.

Kết quả điều tra của Israel cho thấy Syria bắn ồ ạt tên lửa phòng không khi các máy bay chiến đấu của Israel đã quay trở về không phận của nước này.

Tuyên bố nhấn mạnh "cơ chế giảm xung đột [với các lực lượng Nga] đã được áp dụng trong khung thời gian thích đáng".

Chiếc Il-20 bị bắn hạ chủ yếu là do thất bại trong phương thức liên lạc thông báo giữa Nga-Israel, trong hệ thống kiểm soát đường không của Nga hoặc giữa Nga-Syria.

"Sự an toàn của các binh lính Nga tại Syria là điều quan trọng đối với các quan chức cấp cao của IDF và Israel khi thông qua bất cứ hoạt động nào", thông báo của IDF nhấn mạnh.

Một lần nữa IDF đổ lỗi vụ Il-20 cho Syria. "Thảm kịch đó là minh chứng cho thấy việc các bên sử dụng vũ khí hiện đại thiếu trách nhiệm gây nguy hiểm cho khu vực", IDF nhận định.

Nga dọa bắn

Bất chấp việc Israel một mực kêu oan, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng - An ninh Thượng viện Nga Frants Klintsevich tuyên bố, Nga có thể áp dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa thêm sự cố liên quan đến chiến đấu cơ của Israel và hoàn toàn đủ khả năng đóng cửa không phận Syria đối với tiêm kích nước này khi cần thiết.

"Biện pháp đáp trả của chúng tôi về bản chất là nhằm loại bỏ hoàn toàn khả năng xảy ra những sự cố tương tự trong tương lai. Việc cấm cửa máy bay quân sự Israel vào không phận Syria chỉ là một trong những lựa chọn", Klintsevich nói.

Nghị sĩ Nga nhấn mạnh, Israel chắc chắn phải chịu trách nhiệm sau khi quân đội Nga đưa ra những phân tích chính xác và công bằng về quá trình trinh sát cơ Il-20 bị phòng không Syria bắn nhầm hôm 17/9.

Vị nghị sĩ này còn tiết lộ danh sách các hành động vi phạm thỏa thuận chung giữa hai nước của phi công Israel trong sự cố chiếm hơn một trang trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga, đồng thời nhận định mức độ ảnh hưởng của sự cố này tới quan hệ song phương phụ thuộc phần lớn vào phản ứng của Tel Aviv trước kết luận do Moskva đưa ra.

"Liên quan đến vấn đề này, việc Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố sẽ tiếp tục không kích trên lãnh thổ Syria chỉ làm tình hình thêm trầm trọng và không có lợi cho Tel Aviv", Klintsevich nhấn mạnh.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/khac-biet-he-thong-nhan-dien-dich-ta-khien-il-20-bi-ban-3366046/