Khả năng Triều Tiên ngưng đối thoại hạt nhân với Mỹ

Triều Tiên đang cân nhắc ngưng đối thoại hạt nhân với Mỹ. Đó là thông tin do hãng thông tấn TASS (Nga) đăng tải ngày 14/3.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui. Ảnh: Reuters

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui. Ảnh: Reuters

Theo TASS, trong buổi họp báo tại thủ đô Bình Nhưỡng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui tuyên bố Triều Tiên không có ý định đầu hàng các yêu sách của Mỹ hay dự các đối thoại kiểu này.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Choe Son-hui thông báo Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sớm đưa ra tuyên bố về quan điểm của ông liên quan đến đối thoại với Mỹ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 7/3 cho biết Tổng thống Donald Trump vẫn sẵn sàng đối thoại thêm với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai đã kết thúc ở thủ đô Hà Nội ngày 28/2 mà không có tuyên bố chung do những khác biệt liên quan tới mức độ Triều Tiên sẵn sàng giải trừ hạt nhân, cũng như việc Mỹ sẵn sàng nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Phát biểu tại cuộc họp báo tối 28/2 ở khách sạn Melia (Hà Nội) sau hội nghị, Thứ trưởng Choe Son-hui khẳng định Triều Tiên đã đề nghị những nội dung tốt nhất có thể với phía Mỹ trong cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Kim Jong-un đã đưa ra đề xuất về việc dừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, đổi lại Tổng thống Trump cam kết không gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây được đánh giá là kết quả tích cực của hội nghị, mở đường cho hai bên xúc tiến các cuộc gặp trong tương lai.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho (ngồi bên phải) chủ trì họp báo về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Tuy nhiên, những đồn đoán về việc Triều Tiên khôi phục hoạt động thử tên lửa đã gia tăng kể từ tuần trước, sau khi các hội đồng an ninh quốc gia của Hàn Quốc và Mỹ công bố các báo cáo cho thấy Triều Tiên đã sửa chữa lại một phần bãi phóng tên lửa tầm xa ở Dongchang-ri mà Bình Nhưỡng đã bắt đầu tháo dỡ năm 2018.

Ngoài địa điểm này, truyền thông Mỹ cũng đưa tin Triều Tiên tăng cường các hoạt động tại cơ sở lắp ráp tên lửa ở Sanum-dong, dẫn tới những đồn đoán về việc Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa tầm xa hoặc phóng tên lửa mang vệ tinh.

Trước đó, trả lời phỏng vấn tại Houston, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington lạc quan về việc Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ông cho biết hiện cộng đồng quốc tế gây áp lực đối với Triều Tiên thông qua việc siết chặt các biện pháp trừng phạt tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh dù biết rõ con đường phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên sẽ dài và gập ghềnh, song Washington tiếp tục lạc quan rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn phi hạt nhân hóa và dự định sẽ đi theo con đường này.

Về phần mình, Tổng thống Trump cho rằng ông vẫn chưa có cập nhật nào về Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2, nhưng khẳng định mối quan hệ với Triều Tiên vẫn tốt đẹp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại họp báo. Ảnh: CNN

Theo kế hoạch, Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề hạt nhân Triều Tiên Stephen Biegun ngày 15/3 dự kiến tới New York gặp các nước thành viên HĐBA LHQ nhằm thảo luận vấn đề Triều Tiên, cũng như các nỗ lực đảm bảo việc thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên cho đến khi nước này "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đầy đủ và có thể kiểm chứng".

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên không thể đạt được trong một sớm, một chiều. Ông cũng kêu gọi Triều Tiên và Mỹ tiếp tục đối thoại để giải quyết vấn đề hiện nay. Thủ tướng Trung Quốc cũng nêu rõ Bắc Kinh cam kết ủng hộ một Bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/kha-nang-trieu-tien-ngung-doi-thoai-hat-nhan-voi-my-20190315105027089.htm