Khả năng tiêu diệt mục tiêu của hệ thống phòng không Tor-M2 Nga tới đâu?

Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2 của Nga có khả năng phát hiện và tấn công kịp thời tất cả các loại UAV, đặc biệt là UAV bầy đàn cỡ nhỏ trong quá trình di chuyển của hệ thống.

Một chuyên gia quân sự Nga tuyên bố rằng hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2 có thể vô hiệu hóa máy bay không người lái (UAV) thù địch cũng như các mục tiêu trên không khác trong quá trình di chuyển của nó, theo trang The EurAsian Times.

Tor-M2 có thể tiêu diệt mục tiêu trong khi di chuyển

“Những kỹ sư phát triển hệ thống Tor-M2 đã khiến nó có thể phát hiện các mục tiêu trên không phức tạp và bắn hạ chúng trong khi đang di chuyển – ông Alexander Mikhailov, Giám đốc Cơ quan Phân tích Chính trị-Quân sự của Nga cho biết.

Hệ thống phòng không Tor-M2E của Nga tại Triển lãm hàng không MAKS 2019. Ảnh: WIKIPEDIA

Hệ thống phòng không Tor-M2E của Nga tại Triển lãm hàng không MAKS 2019. Ảnh: WIKIPEDIA

Ông Mikhailov đưa ra nhận xét trên tại Triển lãm quốc phòng IDEX 2023 ở Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) hôm 23-2. Triển lãm quốc phòng IDEX 2023 diễn ra từ ngày 20-2 đến 24-2. Tại sự kiện này, Nga trưng bày hơn 200 loại vũ khí, khí tài quân sự, đạn dược và thiết bị chiến đấu.

“Trong môi trường chiến đấu thực tế, để tiêu diệt mục tiêu khi phương tiện đang di chuyển là rất khó. Tuy nhiên, nếu một hệ thống tên lửa đất đối không đứng yên một chỗ thì việc tiêu diệt mục tiêu trở nên dễ dàng hơn” – ông Mikhailov giải thích thêm.

Cũng theo ông Mikhailov, radar của Tor-M2 có khả năng phát hiện và tấn công kịp thời tất cả các loại UAV, đặc biệt là UAV bầy đàn cỡ nhỏ.

Sức mạnh của hệ thống phòng không Tor-M2

Tor-M2 (NATO gọi là SA-15 Gauntlet) là phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M1, do Công ty quốc phòng Almaz-Antey của Nga thiết kế.

Hệ thống Tor-M2 được thiết kế để chống lại máy bay cánh cố định và máy bay cánh quay, UAV, tên lửa dẫn đường cùng các loại vũ khí chính xác khác ở độ cao trung bình, thấp và cực kỳ thấp trong môi trường chế áp điện tử.

Tor-M2 được giới thiệu lần đầu tiên trước công chúng tại Triển lãm hàng không MAKS năm 2007.

Hệ thống này có radar kiểm soát hỏa lực tiên tiến, hệ thống máy tính kỹ thuật số mới và hệ thống theo dõi quang học hoạt động được trong mọi loại điều kiện thời tiết.

UAV Bayraktar TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS

Tor-M2 bắn tên lửa đánh chặn 9M331 và 9M332. Hệ thống này có thể tấn công đồng thời 48 mục tiêu đã được xử lý và 10 mục tiêu được theo dõi. Tor-M2 có thể tấn công mục tiêu cách 1 km – 12 km và ở độ cao 10m – 10.000 m. Hệ thống phòng không này có thể được đặt trên khung gầm bánh xích hoặc khung gầm bánh lốp.

Một khẩu đội Tor-M2 gồm bốn xe chở, phóng đạn và radar (TELAR) 9A331MK, một đài chỉ huy di động 9S737MK Ranzhir-MK, hai xe chuyển tải 9T244 và một phương tiện hỗ trợ kỹ thuật 9V887M2K.

Quân đội Nga đã sử dụng hệ thống phòng không Tor-M2 tại Ukraine. Theo ghi nhận của các nhà báo quốc phòng Nga có mặt tại chiến trường, Tor-M2 đã bao phủ hiệu quả không phận trong khu vực thuộc trách nhiệm của chúng.

Chẳng hạn, hồi tháng 7-2022, nhà báo Alexander Stepanov của Nga đưa tin hệ thống phòng không Tor-M2 cùng với các hệ thống phòng không S-300 và Buk được triển khai tại tỉnh Luhansk (miền đông Ukraine) đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc đánh chặn các UAV của Ukraine, trong đó có UAV nổi tiếng Bayraktar.

Hiệu quả hoạt động của Tor-M2 tại Ukraine

PV Stepanov dẫn lời của một chỉ huy khẩu đội Tor-M2 tên Vladislav ở Luhansk mô tả Tor-M2 là hệ thống phòng không tầm ngắn tốt nhất thế giới, đánh giá cao độ tin cậy, vận hành dễ dàng và hiệu quả chiến đấu của hệ thống.

Theo ông Vladislav, cho tới thời điểm đó, Tor-M2 của đội ông đã bắn hạ hơn 100 mục tiêu trên không, trong đó chủ yếu là UAV chiến đấu Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Ông Vladislav nói thêm cũng không khó để phát hiện UAV Bayraktar do UAV này có kích thước khá lớn, nên nhiệm vụ chính của đội ông là phá hủy UAV ở khoảng cách xa nhất có thể trước khi nó có thể phóng tên lửa tầm xa.

Hệ thống phòng không Tor-M2DT. Ảnh: THE EURASIAN TIMES

Ông Vladislav giải thích rằng khẩu đội Tor-M2 của họ cùng nhiều loại vũ khí khác như hệ thống phòng không Buk-M2 và S-300 đã đánh chặn các mục tiêu trên không thù địch.

“Nếu UAV Bayraktar không bay vào vùng tiêu diệt của chúng tôi thì chúng tôi truyền thông tin về UAV này tới các đơn vị lân cận. Ở đây, các hệ thống phòng không làm việc cùng nhau. Nếu chúng tôi không bắn hạ thì các hệ thống mạnh hơn như Buk, S-300 sẽ làm việc đó. Sự tương tác lẫn nhau đã được thiết lập đầy đủ” – ông Vladislav cho biết thêm.

Cạnh đó, ông Vladislav cho hay ban đầu những người vận hành UAV Bayraktar thường phóng nhiều UAV cùng một lúc, vì tin rằng các hệ thống phòng không không bảo vệ tốt binh sĩ Nga, nhưng về sau họ đang cố gắng tiết kiệm UAV và không sử dụng chúng nữa.

Đồng thời, ông Vladislav cũng lưu ý một số thách thức phải đối mặt khi đối phó các trực thăng chiến đấu của Ukraine. Ông nói trực thăng bay tầm thấp là mục tiêu khó khăn nhất đối với hệ thống phòng không Tor.

“Trực thăng của đối phương cố bay men theo bìa rừng, nấp sau quả đồi, vì vậy hầu như không nhìn thấy chúng trên radar. Trong khi đó chỉ có một khoảng thời gian giới hạn để quyết định tiêu diệt mục tiêu vì trực thăng xuất hiện trên radar chỉ trong tích tắc” – sĩ quan Nga nói.

Quân đội Nga cũng đã triển khai biến thể Tor-M2DT, biến thế dự định hoạt động ở Bắc Cực, tại Ukraine. Biến thể Tor-M2DT được phát triển dựa trên xe địa hình bánh xích DT-30PM. Hệ thống mang 16 tên lửa 9M338 có tầm bắn 16 km và có thể tấn công mục tiêu ở độ cao lên tới 10 km.

Theo các phương tiện truyền thông, hệ thống phòng không Tor-M2DT đầu tiên được Nga triển khai tại Ukraine đầu tháng 12 năm ngoái.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/kha-nang-tieu-diet-muc-tieu-cua-he-thong-phong-khong-tor-m2-nga-toi-dau-post721706.html