Khả năng thương mại hóa cao từ phát triển công nghệ cao trong nuôi heo rừng và bò ở Tây Nguyên

Với sự lăn lộn trong nhiều năm tháng trên các vùng đất Tây Nguyên, nhóm nghiên cứu đã tạo được đàn heo rừng lai từ heo rừng thuần Tây Nguyên trên 110 con, có chất lượng thịt ngon, hàng năm đẻ thêm trên 850 con...

Sau 4 năm nghiên cứu,đến nay, các nhà khoa học của Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã gặt hái được những thành công lớn:Tuyển chọn được giống heo rừng thuần và phát triển công nghệ chăn nuôi heo rừng lai thương phẩm; xây dựng trang trại chăn nuôi và thương hiệu thịt heo rừng có nguồn gốc Tây Nguyên; bảo vệ nguồn gen heo rừng cấp độ phòng thí nghiệm và trong tự nhiên; cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò thịt và sữa tại một số vùng thuộc biên giới của tỉnh Đắk Nông, phục vụ phát triển kinh tế gắn liền với an ninh quốc phòng thông qua việc hoàn thiện công nghệ thụ tinh nhân tạo và công nghệ phôi bò.

 Heo mẹ rừng lai F1, con lai F2.3.

Heo mẹ rừng lai F1, con lai F2.3.

Đây là kết quả và đóng góp của công trình khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình tuyển chọn, nhân nuôi; xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm trong chăn nuôi heo rừng, bò sữa, bò thịt tại khu vực Tây Nguyên”, do PGS.TS. Hoàng Nghĩa Sơnlàm chủ nhiệm,nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi.

Với sự lăn lộn trong nhiều năm tháng trên các vùng đất Tây Nguyên, nhóm nghiên cứu đã tạo được đàn heo rừng lai từ heo rừng thuần Tây Nguyên trên 110 con, có chất lượng thịt ngon, hàng năm đẻ thêm trên 850 con, đồng thời, xây dựng được ngân hàng tinh heo rừng đông lạnh 200 ống cryotype, với tỉ lệ sống trên 60%, 200 cọng tế bào heo rừng đông lạnh sống trên 60% và 50 cọng rạ phôi heo rừng đông lạnh từ trạng thái morular trở lên, sống trên 50%.

Bê con từ gieo tinh xác định giới tính của đề tài.

Riêng về bê sữa, các tác giả đã tạo được 44 bê cái có năng suất dự kiến trên 5.000kg/chu kỳ, được đánh giá có ưu thế hơn 10% so với đàn bò hiện có. Với bê lai hướng thịt, đề tài đã tạo được 310 con, dự kiến thể trọng đạt trên 280kg sau 24 tháng, ưu thế hơn 15% so với đàn bò hiện có.

Không chỉ thế, đề tài còn xây dựng được 5 quy trình: Quy trình tuyển chọn, ổn định giống heo rừng thuần; Quy trình chăn nuôi heo rừng lai thương phẩm; Quy trình thu nhận, lưu giữ nguồn tinh heo rừng; Quy trình tạo phôi heo rừng in vitro; Quy trình sử dụng hóc môn sinh sản điều khiển động dục cho đàn bò sữa và bò lai hướng thịt để nâng cao năng suất sinh sản đàn bò và hai bộ số liệu liên quan đến đa hình các gian chỉ thị về khả năng kháng bệnh, khả năng tăng trọng và chất lượng thịt trên heo và bò.

Chuyển giao bò lai Brahman cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Nông.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 3 mô hình trang trại nuôi heo rừng thuần, nuôi heo rừng lai thương phẩm kiêm hệ thống nhà hàng tiêu thụ sản phẩm tại Đắk Nông với số lượng heo rừng thuần 38 con và trên 100 con heo nái lai; 4 mô hình nuôi bò sữa nông hộ tại Đức Trọng, Lâm Đồng; 11 mô hình trang trại nuôi bò lai hướng thịt của các đồn biên phòng thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và 5 mô hình nông hộ nuôi bò lai hướng thịt tại các huyện biên giới, tỉnh Đắk Nông. Thêm vào đó, đề tài đã xây dựng được 1 thương hiệu thịt heo rừng Tây Nguyên.

Đặc biệt, đây lần đầu tiên ở Việt Nam, một đề tài khoa học đã tiến hành thả 20 heo rừng hoang dã có gắn chíp theo dõi về lại tự nhiên tại Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà và khu 268 ha do Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng quản lý. Điều này mang lại những tác động to lớn trong việc phục hồi quần thể heo rừng, giúp duy trì tính đa dạng của rừng Tây Nguyên.

Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao đề tài nghiên cứu này vừa có giá trị khoa học, vừa có giá trị thực tiễn, tạo ra chuỗi giá trị từ nghiên cứu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thả heo vào rừng có gắn chip theo dõi tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà

Từ đề tài này đã nâng cao năng lực nghiên cứu cho Viện Sinh học nhiệt đới và Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên từ nguồn nhân lực trình độ cao, việc đầu tư thêm trang thiết bị, mở ra định hướng nghiên cứu mới. Nguồn gen quý của heo rừng Tây Nguyên được bảo quản và lưu trữ tại Viện Sinh học nhiệt đới như các mẫu mô tai, tinh, phôi,… rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn nguồn gen động vật hoang dã, quý hiếm. Việc chuyển giao bò lai Brahman, heo rừng lai cho các hộ dân biên giới và các đồn biên phòng tỉnh Đắk Nông vừa góp phần phát triển kinh tế vừa góp phần ổn định an ninh quốc phòng cho vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

Kết quả của đề tài đã xây dựng được mô hình về chăn nuôi bò thịt đạt hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định đời sống người dân và bộ đội, góp phần đảm bảo an ninh biên giới và củng cố nền quốc phòng toàn dân.

Điều đáng nói là, các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam đều đánh giá: Qua thời gian thực tế triển khai đề tài, sản phẩm được đánh giá chất lượng và có khả năng ứng dụng vào sản xuất, thương mại hóa sản phẩm. Từ đó giúp việc rút ngắn thời gian và chi phí cho hoạt động nuôi dưỡng động vật dài ngày giữa các lứa đẻ.

Ngoài ra, với các sản phẩm heo lai, bò lai có chất lượng, giá trị sản phẩm được tăng lên, làm gia tăng hiệu suất kinh tế của người chăn nuôi. Thành công của đề tài sẽ cung cấp quy trình chăn nuôi và con giống có ưu thế cho người dân, giúp nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, từ đó, tác động tích cực đến ngành chăn nuôi bò sữa, bò thịt, heo rừng lai.

Thái Hoàng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/kha-nang-thuong-mai-hoa-cao-tu-phat-trien-cong-nghe-cao-trong-nuoi-heo-rung-va-bo-o-tay-nguyen-614115/