Khả năng tấn công đáng sợ của F-16 không người lái

Tập đoàn Boeing của Mỹ tuyên bố đã hoàn thành việc chuyển đổi chiếc tiêm kích F-16 đầu tiên thành máy bay không người lái QF-16.

Chương trình được thực hiện bởi sự hợp tác giữa Nhóm Bảo trì và Tái tạo Hàng không Vũ trụ 309 (AMARG) đặt tại Davis-Monthan AFB ở Tucson cùng Boeing thực hiện.

"Việc chuyển giao chiếc máy bay không người lái QF-16 đầu tiên được dùng làm mục tiêu bay cho Không quân là bằng chứng về mối quan hệ hợp tác tuyệt vời của chúng tôi", Đại tá Jennifer Barnard, Chỉ huy của AMARG 309 cho biết.

Tiêm kích F-16 bay cùng QF-16 trong một lần thử nghiệm.

Tiêm kích F-16 bay cùng QF-16 trong một lần thử nghiệm.

Được biết, đây là chiếc đầu tiên thuộc lô đầu tiên 13 chiếc QF-16. Boeing xúc tiến kế hoạch chuyển đổi phi cơ F-16 đã nghỉ hưu trở thành phi cơ không người lái từ năm 2010 theo chương trình "Mục tiêu bay kích cỡ thực" của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Để thực hiện giấc mơ này, Lầu Năm Góc chi ít nhất 70 triệu USD để phát triển những phần mềm điều khiển tiên tiến nhất để biến mẫu chiến đấu cơ phổ thông nhất trên thế giới trở thành máy bay không người lái dạng bia bay.

Không quân Mỹ dự định sẽ đặt mua 126 chiếc bia bay không người lái QF-16, để thay thế bia bay QF-4 do Công ty BAE của Anh sản xuất đã hết hợp đồng, chiếc cuối cùng QF-4 đã được bàn giao cho không quân Mỹ hồi tháng 11/2013.

QF-16 có thể bay theo chế độ lập trình hoặc hoạt động như một thiết bị bay điều khiển từ xa nhưng vẫn giữ nguyên tính năng bay ở chế độ có người lái và khả năng chiến đấu của F-16.

Nó có thể bay tự động với vận tốc Mach 2 và thực hiện các màn nhào lộn như một chiếc F-16 có phi công điều khiển.

Phần mềm điều khiển của Boeing cho phép QF-16 có thể bay ở chế độ "không người lái" dưới sự kiểm soát của hệ thống điều khiển mặt đất là DRGCS (Hệ thống Điều khiển Máy bay không người lái tầm xa) hoặc được điều khiển bằng GRDCS (Hệ thống Điều khiển Đội hình Máy bay không người lái).

Theo tuyên bố công khai, không quân Mỹ sẽ sử dụng QF-16 để mô phỏng sự uy hiếp trên không của những tiêm kích Nga như MiG-29, Su-27, Su-30, Su-35… để các lực lượng phòng không và không quân tập bắn hạ.

Tuy nhiên, gần đây Boeing đã đề xuất đưa dòng bia bay này trở thành một thiết bị tác chiến không người lái như mọi UCAV tấn công khác, nhằm tận dụng ưu thế về tốc độ và khả năng hành trình liên tục, tải trọng bom đạn và khả năng tấn công đa dạng của một chiến đấu cơ thế hệ 4.

Không quân Mỹ chưa để cập tới khả năng sử dụng QF-16 trên chiến trường hay tiết lộ chi tiết cơ chế hoạt động của hệ thống vũ khí. Nhưng việc các nhà thiết kế không bỏ các mấu treo vũ khí trên thân QF-16 cho thấy chúng có khả năng mang tên lửa hoặc bom như khi chúng còn là tiêm kích F-16.

Nếu QF-16 được dùng cho nhiệm vụ tấn công, Không quân Mỹ sẽ sở hữu dòng máy bay tấn công không người lái hạng nặng hàng đầu thế giới bởi tổng trọng lượng các loại vũ khí QF-16 có thể mang theo lên tới 6 tấn.

Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/kha-nang-tan-cong-dang-so-cua-f-16-khong-nguoi-lai/20201008083654061