Khả năng phòng thủ tiên tiến của hệ thống IBCS

Hệ thống chỉ huy chiến đấu tích hợp (IBCS) là hệ thống chỉ huy chiến đấu phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp do Công ty Northrop Grumman - công ty công nghệ quốc phòng và hàng không vũ trụ có trụ sở tại Hoa Kỳ phát triển. Tháng 4/2023, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phê duyệt hệ thống IBCS triển khai sử dụng trong tất cả các đơn vị quân đội nước này.

Hệ thống IBCS trên thực địa. Ảnh: Northrop Grumman

Hệ thống IBCS trên thực địa. Ảnh: Northrop Grumman

IBCS tích hợp nhiều loại vũ khí cảm biến vào bộ máy điều khiển duy nhất cho phép binh lính đưa ra quyết dịnh tấn công nhanh và hiệu quả hơn. Hệ thống IBCS thuộc dự án hiện đại hóa các loại vũ khí của quân đội Hoa Kỳ để chống lại các mối đe dọa mới nổi và duy trì lợi thế công nghệ so với các nước đối thủ.

Từ năm 2015, IBCS đã được thử nghiệm đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Năm 2019, trong các cuộc thử nghiệm, IBCS đã đánh chặn thành công tên lửa hành trình tầm xa Patriot, Sentinel và Pac-3. IBCS cũng đã chứng minh khả năng đánh chặn song song tên lửa hành trình USMC TPS-59 và F-35. Năm 2020, quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm bổ sung để đánh giá khả năng tấn công, phòng thủ của IBCS trước nhiều mục tiêu khác nhau (như tên lửa hành trình bay thấp và tên lửa đạn đạo bay cao) được phóng ở các thời điểm, tốc độ và độ cao khác nhau.

Năm 2021, IBCS đã được tích hợp nhiều loại cảm biến bao gồm radar định hướng nhiệm vụ trên mặt đất, trên không AN/TPS-80, radar điều khiển đánh chặn tên lửa trong môi trường điện từ. Các thử nghiệm trên đã chứng minh tính linh hoạt trong cấu trúc của hệ thống IBCS và khả năng tối ưu hóa cảm biến. Đến cuối tháng 12/2022, Quân đội Hoa Kỳ đã ký hợp đồng kéo dài 5 năm trị giá 1,4 tỷ USD với Công ty Northrop Grumman để sản xuất 160 hệ thống IBCS nhằm cung cấp cho quân đội trong nước và các nước đồng minh của Hoa Kỳ.

IBCS được thiết kế với modul mở để có thể bổ sung các loại vũ khí cảm biến khác nhau. Dữ liệu của IBCS có thể kết nối với hệ thống máy bay không người lái UAS và các máy bay chiến đấu. Các bộ phận chính của IBCS bao gồm relay điều khiển hỏa lực tích hợp (IFCN), trung tâm điều hành mạng (EOS), phần mềm hợp nhất dữ liệu cảm biến, bộ hình ảnh tích hợp cho phép binh lính chọn vũ khí thích hợp nhằm đánh bại các mối đe dọa phòng không và tên lửa.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Northrop Grumman Rebecca Torzone cho biết, Northrop Grumman là công ty công nghệ quốc phòng và hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới. IBCS hợp nhất dữ liệu từ hiện trường để giúp binh lính nhìn thấy không gian chiến trường và chọn lựa vũ khí thích hợp để đánh bại các mối đe dọa. IBCS có vai trò hàng đầu trong chiến lược hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của quân đội vì khả năng tích hợp các cảm biến đa miền để tạo ra dữ liệu hợp nhất về chất lượng hỏa lực.

Song song với hệ thống IBCS, Công ty Northrop Grumman đã công bố hoàn thành chuyến bay thử thành công lần thứ 5 liên tiếp của tên lửa dẫn đường chống bức xạ tiên tiến AGM-88G thuộc biên chế của Hải quân Hoa Kỳ. Theo công ty, tên lửa đã phát hiện, xác định, định vị và tấn công thành công một mục tiêu trên đất liền. Tên lửa mới sẽ cung cấp cho Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ khả năng phòng không có thể chống lại các mối đe dọa tầm xa và tiên tiến, trong khi các phi công vẫn ở ngoài phạm vi giao chiến trên không. Tên lửa sử dụng mô hình kỹ thuật số và tích hợp các cảm biến và thiết bị điện tử tiên tiến gắn trên một phương tiện bay hiệu suất cao với động cơ đẩy được nâng cấp và đầu đạn được tối ưu hóa.

Các cuộc thử nghiệm và nâng cấp hệ thống chỉ huy chiến đấu và tên lửa dẫn đường đang cho thấy khả năng vượt qua được các mối đe dọa cũng như chứng minh tầm phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu và sự tiên tiến trong các vũ khí của quân đội Hoa Kỳ.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kha-nang-phong-thu-tien-tien-cua-he-thong-ibcs-post461267.html