Khả năng hình thành mô hình 2 đỉnh quanh ngưỡng 1.375 điểm trên VN-Index

Theo một số chuyên gia chứng khoán, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh vùng 1.375 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy nên dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa và thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp tăng/giảm liên tục trong phiên.

Áp lực chốt lời

Thị trường điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần với thanh khoản cũng có sự suy giảm. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6, VN-Index giảm 5,14 điểm (-0,37%) xuống 1.372,62 điểm; HNX-Index giảm 2,49 điểm (-0,78%) xuống 316,24 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên với 867 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 23.329 tỷ đồng. Độ rộng thị trường là trung tính với 328 mã tăng, 111 mã tham chiếu, 323 mã giảm.

VN-Index điều chỉnh trong phiên đầu tuần với thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó

VN-Index điều chỉnh trong phiên đầu tuần với thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó

Thị trường tăng nhẹ trong phiên sáng 21/6 nhưng áp lực bán xuất hiện sau đó đã khiến các chỉ số đồng loạt đảo chiều xuống dưới tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ. Các cổ phiếu ngành ngân hàng như: VCB (-1,8%), BID (-2,5%) và CTG (-1,8%)... đứng đầu nhóm cổ phiếu có tác động tiêu cực đến thị trường chung. Tiếp theo sau là các mã như VNM (-1,6%), HPG (-1,7%), TCB (-1,2%), VHM (-0,4%), VRE (-2,2%), VJC (-1,7%)… Trong khi đó, NVL (+5,8%) tiếp tục là điểm dựa của thị trường khi đứng đầu nhóm cổ phiếu đóng góp tăng. Nhóm VN30 có 17 mã giảm, 10 mã tăng và 3 mã đứng giá.

SSI (-3%) và TCH (-3%) là 2 mã sụt giảm mạnh nhất nhóm. BID (-2,5%), REE (-2,5%), SBT (-2,2%), VRE (-2,2%) và BVH (-2,1%) là những mã giảm hơn 2%. Ở chiều ngược lại, NVL (+5,8%) vẫn duy trì vị trí dẫn đầu khi tăng mạnh gần 6%, PLX (+3,7%) và MWG (+3,4%) cùng tăng trên 3%, MSN 2,1%) và FPT (+2,1%) tăng trên 2%, POW (+1,6%) tăng trên 1%.

Đi ngang quanh vùng 1.375 điểm

Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index điều chỉnh trong phiên đầu tuần với thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra trong phiên 21/6 là không thực sự mạnh. Tuy nhiên, phiên này phát ra một tín hiệu đáng lưu ý là khả năng hình thành mô hình 2 đỉnh quanh ngưỡng 1.375 điểm trên VN-Index.

“Sẽ cần một vài phiên nữa để thị trường xác nhận về khả năng này là đúng hay sai. Tuy nhiên, một khi thị trường chưa đánh mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.345 điểm (MA20) thì xu hướng hiện tại vẫn được đánh giá ở mức trung tính. Do đó, trong phiên giao dịch hôm nay 22/6, thị trường có thể sẽ tiếp tục giao dịch giằng co tại vùng giá hiện tại”, chuyên gia của SHS nhận định, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư đã chốt lời danh mục cổ phiếu trong tuần qua nên hạn chế mua đuổi ở vùng giá hiện tại và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại.

“Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn cũng nên hạn chế mua thêm mà nên tận dụng những nhịp tăng điểm trong tuần này để chốt lời dần các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng”, chuyên gia của SHS nhấn mạnh.

Các chuyên gia của Công Ty TNHH Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh vùng 1.375 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa và thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp tăng/giảm liên tục trong phiên.

“Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn chưa nên sử dụng đòn bẩy ở giai đoạn hiện tại. Điểm nổi bật là dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường, mà vẫn chủ yếu dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và chưa nên sử dụng đòn bẩy cao ở giai đoạn hiện tại”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.

VN-Index nhiều khả năng hình thành dao động tăng giảm đan xen

Trong khi đó, ông Trần Xuân Bách, Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, VN-Index giảm điểm nhẹ và hình thành mẫu hình nến “spinning top” ở ngay sát ngưỡng cản 1.374 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với mức trung bình trong khi độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm điểm. Diễn biến này cho thấy tâm lý thận trọng và có phần lưỡng lự của nhà đầu tư khi chỉ số đang tiếp cận vùng kháng cự mạnh. Thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong một vài phiên kế tiếp.

Vùng kháng cự 1.374-1.405 điểm sẽ là vùng cản của chỉ số trong ngắn hạn (Nguồn: BVSC)

“Vùng kháng cự 1.374-1.405 điểm sẽ là vùng cản của chỉ số trong ngắn hạn. Thị trường nhiều khả năng sẽ bước vào nhịp dao động hẹp với các phiên tăng giảm đan xen trong vùng được giới hạn bởi vùng kháng cự quanh 1.405 điểm và vùng hỗ trợ quanh đường SMA20 tương ứng vùng 1.340-1.355 điểm”, ông Trần Xuân Bách phân tích.

Chuyên gia của BVSC cho rằng, VN-Index nhiều khả năng sẽ hình thành dao động tăng giảm đan xen trong vùng kẹp giữa vùng hỗ trợ 1.340-1.355 điểm và vùng kháng cự 1.385-1.405 điểm trong ngắn hạn. Thông tin kết quả kinh doanh quý II sẽ là yếu tố chi phối diễn biến thị trường trong ngắn hạn. Thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu và dòng tiền sẽ tiếp tục có sự luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hoặc các cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng nhiều trong giai đoạn trước để tìm kiếm lợi nhuận.

“Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 55-65% cổ phiếu. Nhà đầu tư có vị thế tiền mặt lớn có thể xem xét mua trading trong các phiên thị trường điều chỉnh. Tập trung vào các cổ phiếu có câu chuyện riêng như chia cổ tức, thoái vốn nhà nước, M&A, phát hành tăng vốn, bán tài sản…”, ông Trần Xuân Bách khuyến cáo./.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/kha-nang-hinh-thanh-mo-hinh-2-dinh-quanh-nguong-1375-diem-tren-vn-index-867865.vov