Khả năng của EU trong việc hạn chế xuất khẩu vũ khí của Nga

Để phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Liên minh châu Âu có thể xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp dưới hình thức cấm vận xuất khẩu vũ khí từ Nga.

EU sẽ phải đối mặt với một số thách thức nếu tăng cường trừng phạt lĩnh vực xuất khẩu vũ khí Nga. Ảnh: THX

EU sẽ phải đối mặt với một số thách thức nếu tăng cường trừng phạt lĩnh vực xuất khẩu vũ khí Nga. Ảnh: THX

Chuyên gia phân tích Patryk Kugiel tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM) ngày 13/4 cho rằng, mục đích của các biện pháp trừng phạt sẽ là không khuyến khích các nước thứ ba mua vũ khí từ Nga và làm giảm lợi nhuận của các công ty quốc phòng Nga. Điều này có thể dẫn đến giảm nguồn thu đối với ngân sách nhà nước Nga và do đó hạn chế ảnh hưởng của Moskva trên thế giới. Có thể, EU sẽ phối hợp hành động với Mỹ và các đồng minh, như thông qua một chương trình hỗ trợ chung trong quá trình thay thế vũ khí của Nga tại các quốc gia tiếp nhận truyền thống.

Tầm quan trọng của việc bán vũ khí đối với Nga

Nga là nước xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự lớn thứ hai trên thế giới - sau Mỹ, hơn cả Pháp và Trung Quốc. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển, trong giai đoạn 2017-2021, Nga chiếm 19% giá trị xuất khẩu vũ khí trên thế giới.

Nga xuất khẩu vũ khí tới 45 quốc gia - điểm đến quan trọng nhất là châu Á (chiếm 61% giá trị kim ngạch xuất khẩu) và các nước mua lớn nhất là Ấn Độ (28% trong giai đoạn 2017–2021), Trung Quốc (21%), Ai Cập (18%) và Algeria (16%). Các loại trang thiết bị quân sự được bán chính là máy bay (48% giá trị xuất khẩu), động cơ (16%) và tên lửa (12%).

Nga thực hiện hầu hết các giao dịch thông qua Rosoboronexport, một chi nhánh của tập đoàn quốc phòng nhà nước Rostec. Sự phổ biến của vũ khí Nga có được nhờ ảnh hưởng từ thời Chiến tranh lạnh, giá rẻ, dễ bảo trì và vận hành, sẵn sàng chuyển giao công nghệ và sản xuất chung tại nước mua, cũng như các điều kiện tài chính hấp dẫn và linh hoạt.

Xuất khẩu vũ khí có tầm quan trọng cả về kinh tế và chính trị đối với Nga. Về kinh tế, đây là nguồn thu ngân sách lớn, tăng dự trữ ngoại hối, có kinh phí đầu tư cho ngành công nghiệp vũ khí và nghiên cứu phát triển công nghệ quân sự.

Mặc dù vũ khí chỉ chiếm khoảng 4,5% xuất khẩu từ Nga (trị giá 332 tỷ USD năm 2020), nhưng nó là mặt hàng lớn thứ tư trong số các sản phẩm bán ra nước ngoài (sau dầu, khí đốt và vàng). Tuy nhiên, ý nghĩa chính trị của việc buôn bán vũ khí còn quan trọng hơn nhiều, thể hiện qua quan điểm của nhiều nước đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Sự phụ thuộc của khách hàng vào nguồn cung cấp thiết bị quân sự cho phép Nga có được sự ủng hộ nhất định. Những nước đã bỏ phiếu phản đối nghị quyết của Liên hợp quốc vào ngày 2/3 liên quan đến cuộc xung xung đột Nga-Ukraine (ví dụ như Belarus) hoặc bỏ phiếu trắng (ví dụ như Ấn Độ hoặc Trung Quốc), là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Nga.

Do đó, theo ông Kugiel, việc hạn chế xuất khẩu vũ khí từ Nga là rất quan trọng vì một số lý do. Việc đưa ra lệnh trừng phạt là một tín hiệu chính trị không khuyến khích các nước thứ ba mua vũ khí của Nga và nhằm cô lập Nga trong lĩnh vực này trên trường quốc tế. Thứ hai, thông qua việc cản trở thương mại, thanh toán và cung ứng, điều này sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách và ảnh hưởng đến các công ty quốc phòng của Nga.

Khả năng và hạn chế của EU

Sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã phải chịu lệnh trừng phạt cấm bán vũ khí của một số nước phương Tây, trong đó có EU. Lệnh cấm vận của EU bao gồm lệnh cấm xuất khẩu và nhập khẩu vũ khí từ Nga, tham gia vào hoạt động vận chuyển và tài chính của nước này, bán các công nghệ lưỡng dụng và cung cấp dịch vụ cho quân đội Nga.

Các hạn chế áp dụng cho các giao dịch được ký kết sau ngày 1/8/2014 và cũng áp dụng cho hàng hóa dự định tái xuất sang các nước thứ ba. Mỹ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt của riêng mình vào năm 2014, bao gồm lệnh cấm buôn bán vũ khí và công nghệ quân sự. Đạo luật Chống lại đối thủ của Mỹ bằng trừng phạt (CAATSA), được Quốc hội nước này thông qua vào tháng 7/2017, đóng một vai trò đặc biệt trong việc hạn chế buôn bán vũ khí. Nó có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp (ngoài lãnh thổ) - 12 loại hạn chế (bao gồm hạn chế tài chính) đối với những cá nhân và thực thể liên quan đến "các giao dịch quan trọng" với lĩnh vực quốc phòng hoặc tình báo của Nga.

Trên cơ sở này, cho đến nay, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể Trung Quốc (tháng 9/2018) vì mua 10 máy bay Su-35 và các bộ phận của hệ thống tên lửa phòng không S-400, cũng như với Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 12/2020) do mua S-400 (tuy nhiên, Mỹ có ngoại lệ với Ấn Độ, quốc gia cũng đã mua S-400 năm 2018).

Với việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt (do một số quyền phủ quyết của Nga và có lẽ cả Trung Quốc), các hạn chế hơn nữa đối với hoạt động buôn bán vũ khí của Nga ở EU có thể sẽ phải thực hiện hình thức trừng phạt tương tự như những hình thức được quy định trong Đạo luật CAATSA.

Để thực hiện giải pháp này, EU cần phải vượt qua ba thách thức: kỹ thuật, luật pháp và chính trị. Các quy định phải được đưa ra để thực hiện có hiệu quả, bao gồm cả việc giám sát và xác minh. Các công ty, tổ chức hoặc những người nhập khẩu vũ khí từ Nga sẽ gặp khó khăn trong hợp tác kinh tế với EU. Thứ hai, vấn đề là liệu các biện pháp trừng phạt như vậy có tương thích với luật pháp quốc tế và châu Âu hay không. Thứ ba, các biện pháp trừng phạt thứ cấp mang lại rủi ro chính trị trong quan hệ với các quốc gia nhập khẩu vũ khí Nga, vốn sẽ coi đó là tác động đến an ninh của họ.

Tóm lại, chuyên gia Kugiel kết luận rằng hạn chế khả năng bán vũ khí là điều cần thiết để giảm nguồn thu ngân sách và khả năng quân sự của Nga. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra vào năm 2022 (ví dụ như việc Nga bị loại một phần khỏi hệ thống giao dịch SWIFT) sẽ trì hoãn việc thực hiện các hợp đồng vũ khí đã ký kết và làm giảm sức hấp dẫn của Nga với tư cách là một nhà cung cấp vũ khí. Tuy nhiên, việc tăng cường các hạn chế đối với các công ty quốc phòng Nga có thể làm xấu đi tình trạng tài chính của họ, gây khó khăn cho việc bảo dưỡng và hiện đại hóa vũ khí hiện có cũng như phát triển các loại vũ khí mới.

Việc EU đưa ra thêm một lệnh cấm vận đối với vũ khí Nga sẽ gây khó khăn về mặt kỹ thuật và gây tranh cãi về mặt chính trị, cũng như trong quan hệ của EU với các nước nhập khẩu vũ khí Nga hiện nay.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo PISM.pl)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/kha-nang-cua-eu-trong-viec-han-che-xuat-khau-vu-khi-cua-nga-20220414154913974.htm