Khả năng chữa trị tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một bệnh rối loạn tâm thần nặng, nếu không được điều trị, tình trạng bệnh sẽ ngày càng nặng, người bệnh có thể có những hành vi làm nguy hại bản thân hoặc những người xung quanh.

Tâm thần phân liệt là loại bệnh tâm thần nặng, tiến triển từ từ, có xu hướng tiến triển mạn tính. Bệnh có thể khởi phát từ từ làm cho bệnh nhân và người nhà không để ý hoặc có thể khởi phát đột ngột với những triệu chứng rầm rộ. Bệnh gây sa sút nhận thức, cảm xúc, hành vi, tác phong, khả năng học tập, làm việc ngày một giảm sút. Các triệu chứng âm tính, triệu chứng dương tính của bệnh làm bệnh nhân khó hòa nhập cộng đồng, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội nếu không được quan tâm, điều trị tích cực.Các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt rất phong phú, đa dạng, phức tạp và luôn biến đổi. Đa số các nhà nghiên cứu chia thành hai nhóm triệu chứng chính là triệu chứng âm tính và triệu chứng dương tính.

Triệu chứng âm tính là các triệu chứng thể hiện sự tiêu hao, mất tính toàn vẹn, thống nhất của các hoạt động tâm thần. Người bệnh không quan tâm tới các hoạt động hàng ngày, bàn quan với cuộc sống xung quanh, suy nghĩ chậm chạp, ngắt quãng, ngôn ngữ nghèo nàn, nét mặt lờ đờ, vô cảm, ánh mắt vô hồn; các hoạt động có ý chí bị rối loạn, người bệnh thụ động thiếu ý chí, chất lượng học tập và lao động giảm sút; rối loạn cảm xúc, khi có tin vui thì khóc, có tin buồn thì vui sướng; sống thu mình, xa lánh xã hội,...

Triệu chứng dương tính là các triệu chứng xuất hiện trong quá trình bị bệnh. Các triệu chứng dương tính rất phong phú, đa dạng và luôn biến đổi, các triệu chứng xuất hiện, mất đi và được thay thế bằng các triệu chứng khác. Các triệu chứng có thể gặp là bệnh nhân suy nghĩ nhanh, nói nhiều, nói những câu vô nghĩa, không đúng sự thật; ảo tưởng, có niềm tin không thực tế hay gặp ảo giác, nghe những tiếng người nói, âm thanh lạ trong đầu; hoang tưởng, cho rằng có người làm hại mình, người xung quanh đang nói xấu mình; rối loạn hành vi, gào thét, đập phá, đánh người khác,...

Bệnh thường khởi phát ở tuổi 18-28, những người có nguy cơ mắc bệnh cao là những người sống cô độc, ngại tiếp xúc; người sử dụng các chất kích thích gây ảo giác; người bị khuyết tật khả năng nghe nhìn làm ảnh hưởng đến nhận thức về cuộc sống xung quanh; người bị stress trong thời gian kéo dài; người có tiền sử gia đình bị tâm thần phân liệt. Nếu không được chữa tâm thần phân liệt, bệnh sẽ ngày càng nặng, người bệnh có thể có những hành vi gây nguy hại đến bản thân hoặc những người xung quanh.

 Tâm thần phân liệt là loại bệnh tâm thần nặng, tiến triển từ từ

Tâm thần phân liệt là loại bệnh tâm thần nặng, tiến triển từ từ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kha-nang-chua-tri-tam-than-phan-liet-139701.html